Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Viên chức được phép góp vốn và kinh doanh ngoài giờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Viên chức được phép góp vốn và kinh doanh ngoài giờ

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Luật viên chức đang được Quốc hội lấy ý kiến đề xuất chính thức cho phép viên chức được góp vốn, kinh doanh ngoài giờ làm việc. Luật cũng quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong nước.

Một bước được xem là đột phá trong quy định của dự thảo Luật công chức là sẽ chính thức hóa việc cho phép vỉên chức tham gia hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ (điều 12), tránh tình trạng phải “làm chui” hoặc kinh doanh dưới tên người khác.

Quan điểm luật hóa vấn đề này đã nhận được sự đồng tình cao của các ủy ban thẩm tra ở Quốc hội. Ủy ban Pháp luật cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng một cách tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội.

Điều khoản này cũng phù hợp với Bộ Luật lao động, cho phép người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động với một hoặc nhiều người sử dụng lao động nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết. Hơn nữa, việc hạn chế viên chức trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định tham gia các hoạt động kinh doanh, hoạt động nghề nghiệp bên ngoài đơn vị sự nghiệp công lập hiện đã được quy định trong một số luật chuyên ngành như Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật phòng chống tham nhũng. Do vậy, quy định cấm là không đúng và không cần thiết.

Hiện có 1,6 triệu viên chức đang làm việc ở các cơ quan nhà nước. Hầu hết các nội dung, quy định quản lý viên chức rắc rối, phức tạp, lại được soạn thảo theo cơ chế quản lý cũ nên đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Để giải quyết những bất cập trong việc quản lý viên chức thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ mà làm giảm chất lượng cung cấp các dịch vụ công, Quốc hội yêu cầu cần có cơ chế đánh giá, quản lý viên chức một cách có hiệu quả, đảm bảo viên chức phải hoàn thành nhiệm vụ được giao cả về thời gian và chất lượng công việc, đồng thời có biện pháp xử lý đối với các viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Nội vụ, cơ quan soạn thảo dự luật này cũng đề nghị Quốc hội thông qua việc cho phép viên chức được tham gia góp vốn, thành lập nhưng không được trực tiếp điều hành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tố chức nghiên cứu khoa học.

Một quy định khác của dự thảo luật được xem là đột phá đang đứng giữa hai luồng ý kiến, đó là quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Luồng ý kỉến thứ nhất không đồng tình với quy định và luồng ý kiến thứ hai (hiện chiếm đa số hơn) tán thành vì cho rằng công dân Việt Nam dù định cư ở nước ngoài thì vẫn là công dân Việt Nam nên có quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam ở trong nước. Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập hiện nay, không có lý do gì ngăn trở họ về cống hiến cho đất nước qua việc trở thành viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Có điều, dù quy định này có được thông qua sau 2 lần lấy ý kiến (vào tới vào đầu năm 2011) thì vấn đề là chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước của Chính phủ phải thực sự hấp dẫn mới có thể thu hút được công dân Việt Nam ở nước ngoài vào bộ máy nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới