Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Viễn thông Việt Nam phát triển thiếu bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Viễn thông Việt Nam phát triển thiếu bền vững

Thu Hiền

Trung tâm khách hàng của MobiFone tại Quận 1, TPHCM. ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) Hãng nghiên cứu thị trường BMI (Anh) cho hay quí 2 năm 2011, chỉ số môi trường kinh doanh ngành viễn thông (Telecommunications Business Environment Ratings) của Việt Nam không có nhiều thay đổi trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Việt Nam giữ nguyên vị trí thứ 17, cao hơn Sri Lanka nhưng lại thấp hơn Thái Lan và Campuchia.

Theo quan sát của BMI, chỉ số thu nhập bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) của Việt Nam đang giảm nhanh trong thời gian qua do các nhà cung cấp chạy đua giảm giá giá bằng cách khuyến mãi, thị trường chủ yếu phụ thuộc vào các thuê bao trả trước, cước kết nối viễn thông đã được giảm tới 15% vào tháng 7 năm 2010 vừa qua. Và nguyên nhân cuối cùng là thị trường viễn thông di động đang tiến tới ngưỡng bão hòa.

Năm ngoái, ARPU của Việt Nam chỉ đạt 5 đô la Mỹ, giảm so 5,52 đô la Mỹ trong năm 2009. Trong khi đó, chỉ số ARPU trong năm 2008 và 2007 lần lượt là 6 đô la và 6,5 đô la. Những con số trên cho thấy, ARPU đang giảm nhanh chóng và tiếp tục giảm hơn nữa khi BMI dự báo rằng ARPU có thể giảm sâu còn 3,51 đô la vào năm 2015.

Trong khi chỉ số ARPU giảm thì con số thuê bao 3G cũng không mấy khả quan mặc dù các hãng viễn thông đưa ra con số khá cao. Hãng này tính toán rằng đến cuối năm 2010, Việt Nam chỉ có khoảng 8 triệu thuê bao 3G, con số này nhỏ hơn so với con số mà các nhà mạng khai báo.

Thông tin chính thức từ Bộ Thông tin và Truyền thông thì tính đến tháng 4 năm ngoái, Việt Nam chỉ có khoảng 7 triệu thuê bao 3G.

Như vậy, con số thuê bao 3G phát triển trong thời gian qua là chưa nhiều như mong đợi. BMI dự báo rằng đến cuối năm nay (2011), Việt Nam có thể đạt 12 triệu thuê bao 3G.

Trao đổi với Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online, chuyên gia quản trị thông tin viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên tổng giám đốc Qualcom Đông Dương, nói rằng viễn thông Việt Nam vẫn có nhiều trở ngại, thách thức cần được sớm giải quyết và vượt qua mới hy vọng có được một sự phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu người dân và doanh nghiệp giống như các thị trường viễn thông khác như Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Qua kinh nghiệm sử dụng các mạng di động thực tế cho thấy chất lượng của các mạng 2G giảm khá rõ cũng như các dịch vụ 3G trong nước vẫn còn rất hạn chế và nghèo nàn.

Cũng theo chuyên gia này, hiện tại công nghệ 3G vẫn chưa thực sự được tận dụng triệt để và chưa ổn định tại Việt Nam. Với công nghệ 3G là bắt đầu đưa đưa dữ liệu số vào trong di động và cái quan trọng nhất của dữ liệu số này sẽ phải là nội dung thông tin dựa trên chính phủ điện tử và thương mại điện tử là chính. Những nội dung thông tin này mới là giá trị gia tăng đem lại lợi nhuận cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ nội dung số đang nghèo nàn.

“Nếu các nhà khai thác cứ tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới mà không tập trung cho dịch vụ và chất lượng, cũng như chỉ tập trung cạnh tranh “giá rẻ”, phát triển thuê bao trả trước mà không phát triển những phân khúc thị trường doanh nghiệp như thời gian qua thì tôi lo rằng mọi nhà khai thác lớn nhỏ đều sẽ đối mặt với thua lỗ trong kinh doanh”, ông Diệp cảnh báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới