Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Viếng mộ tác giả Dạ cổ hoài lang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Viếng mộ tác giả Dạ cổ hoài lang

Phương Kiều

Cổng vào khu “Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu”. Ảnh: Phương Kiều

(TBKTSG Online) – Từ trung tâm thị xã Bạc Liêu qua cầu Kim Sơn (hay còn gọi là cầu Quay) đến ngã tư rẽ vào đường Cao Văn Lầu, đi thêm 1km lại rẽ phải vào con đường nhỏ chừng 300m là đến khu mộ cố nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu (1892-1976), tác giả bài cổ nhạc nổi tiếng Dạ cổ hoài lang.

Khu đất rộng gần 3 héc ta vốn là vườn nhà của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu vừa được chính quyền Bạc Liêu trùng tu tôn tạo với kinh phí 6 tỉ đồng thành “Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu” (gọi tắt là khu lưu niệm) ở phường 5, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Khu lưu niệm này khánh thành vào ngày Rằm tháng Tám năm Kỷ Sửu (29-9-2009) nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang.

Vào khu lưu niệm, qua chiếc cổng khá mỹ quan, đi thẳng vào là gặp bốn ngôi mộ xây gạch tô đá mài đẹp đẽ. Bên trong là nhà trưng bày hiện vật, tại đây ta sẽ tiếp cận nhiều điều lý thú. Diệu Hiền, cô gái trẻ rất tự tin và duyên dáng khi thuyết minh cho du khách tổng quát về cổ nhạc Bạc Liêu và thân thế sự nghiệp cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Cao Văn Lầu sinh ngày 22-12-1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sát nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Từ bé, ông phải theo cha mẹ nhiều phen chuyển dời nơi sinh sống vì cuộc mưu sinh vất vả, cuối cùng gia đình ông về đây trú ngụ trên một mảnh đất gần chùa Vĩnh Phước An. Vị trụ trì chùa là hòa thượng Minh Bảo, thấy gia đình ông cật lực làm việc mà vẫn thiếu ăn, nên nhận Cao Văn Lầu, lúc đó mới 8 tuổi, vào chùa ở và dạy cho chữ Nho.

Ở chùa được ba năm, Cao Văn Lầu được học thêm chữ quốc ngữ, nhưng cũng chỉ được bốn năm thì phải thôi học vì nhà lâm cảnh khó khăn. Năm 15 tuổi (1907), ông trở thành lao động chính gánh vác chuyện áo cơm cho gia đình.

Vốn sẵn máu đam mê cổ nhạc nên ban ngày làm lụng vất vả, hàng đêm Cao Văn Lầu vẫn chăm chỉ thụ giáo ngón đờn thầy Nhạc Khị. Hồi đó, ở xóm Rạch Ông Bổn có một thầy đờn nổi tiếng là Hai Khị, tên thật là Lê Tài Khí, nhưng bà con thường kêu là Nhạc Khị. Có năng khiếu bẩm sinh, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ…

Cơm áo đã khó khăn mà cuộc sống vợ chồng ông càng ảm đạm. Bà vợ ông, sau ba năm chung sống vẫn không sinh con, khiến cha mẹ ông quyết định chia cắt nhân duyên khiến vợ chồng ông chịu cảnh “én nhạn lìa đôi”! Điều này khiến ông buồn bã, luôn thương nhớ người xưa. Thế rồi, vào đêm rằm Trung thu năm 1918, nghe tiếng trống công phu từ ngôi Vĩnh Phước An Tự gần đó vọng vang buồn thảm, ông đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang… Nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua đời năm 1976 tại TPHCM, thọ 84 tuổi.

Tại nhà trưng bày hiện vật này, ta còn được biết quá trình phát triển từ bản Dạ cổ hoài lang đến bản vọng cổ nổi tiếng – bản nhạc “tổ” của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. Bên cạnh đó còn có nhiều tư liệu quý (ảnh chụp) một số tham luận về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản Dạ cổ hoài lang; một số hình ảnh nhạc sĩ, nghệ nhân tiêu biểu quê hương Bạc Liêu; cảnh đờn ca tài tử phục dựng bằng sáp; một số phục trang sân khấu cải lương của một số nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, nhạc cụ cổ nhạc, trong đó có cây ghi ta phím lõm của “Đệ nhất danh cầm miền Nam” – nhạc sĩ ưu tú Văn Giỏi dùng để sáng tác từ năm 1976 và trao tặng ngày 25-7-2009; dàn nhạc lễ nhạc sĩ Cao Văn Lầu từng sử dụng: cò, gáo, tranh, trống, trống cơm, tum, chập chã…; bút tích nhạc sĩ Cao Văn Lầu và chiếc lục lạc nhạc sĩ đeo ngày thơ bé khi ở quê nhà Long An…

Bàn thờ nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Phương Kiều

Đặc biệt, giữa phòng trưng bày có pho tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hai bên tường là hai bản Dạ cổ hoài lang (nhịp 2), phần lời và phần nhạc cùng vài tác phẩm khác của ông được thể hiện bằng nét bút thư pháp bay bướm trên nền vải hoa sang trọng…

Qua sân gạch tàu khá rộng rãi với sân khấu lộ thiên dùng tổ chức các buổi lễ là nhà bán hàng lưu niệm, trong đó có một sân khấu nhỏ dành làm nơi biểu diễn đờn ca tài tử phục vụ công chúng của “tài tử” các nơi khi viếng thăm và có nhã hứng. Ông Cao Tấn Lực, cháu nội nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vừa là quản trang vừa phụ trách ngôi nhà này, cho biết nơi đây bán khá nhiều mặt hàng để khách đến tham quan có một vài kỷ vật “làm duyên”. Đó là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhạc cụ dân tộc bằng tre nhỏ đẹp, đặc biệt có chiếc đàn kim in hình nhạc sĩ Cao Văn Lầu, giá 200.000 đồng, đựng trong hộp xinh xắn.

Nhưng mặt hàng bán chạy nhất là những chiếc dĩa gốc bản Dạ cổ hoài lang, ông Lực cho biết. Cũng dễ hiểu, vì đó là kỷ vật có ý nghĩa nhất cho chuyến viếng thăm Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu của du khách; và bản nhạc này đã giúp nhiều nghệ sĩ cải lương, soạn giả, bầu gánh… có cuộc sống danh vọng, giàu sang, khiến hàng triệu triệu trái tim Việt Nam thao thức, ai hoài những khi thưởng thức.

Công lao ấy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được ghi nhận, tôn vinh bằng một công trình khu lưu niệm khá xứng tầm, để những giá trị nghệ thuật đẹp sẽ được thế hệ sau tiếp nối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới