Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam, Ai Cập hướng đến kim ngạch 300 triệu đô la Mỹ  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam, Ai Cập hướng đến kim ngạch 300 triệu đô la Mỹ  

Thành Trung thực hiện  

Ông Mahmoud Mohieldin. Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG Online) – Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ai Cập đang có những bước phát triển mạnh mẽ, từ 14-15 triệu đô la Mỹ năm 1997 tăng lên 167 triệu đô la năm 2009, theo Bộ trưởng Bộ Đầu tư Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin. Tuy nhiên, ông Mohieldin cho rằng, con số này chưa phản ánh đúng tiềm năng của hai nước. Trao đổi với TBKTSG Online, ông Mohieldin tin rằng, hai nước sẽ đạt kim ngạch thương mại song phương 300 triệu đô la Mỹ trong vài năm tới.  

TBKTSG Online: Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Bộ Đầu tư Ai Cập có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, thưa ông? Ông có thể điểm qua những nét chính trong chuyến thăm lần này?  

– Ông Mahmoud Mohieldin: Đây là lần thứ hai tôi thăm Việt Nam. Lần thứ nhất là vào năm 1997, khi tôi là thành viên của một nhóm kỹ thuật sang Việt Nam nhằm xây dựng hiệp định đầu tư giữa hai nước.

Lần này tôi đến đây cũng vì hiệp định này, đồng thời cũng để ký kết một số nghị định thư nhằm thực hiện hiệp định. Theo tôi, hơn 10 năm qua, quan hệ Việt Nam – Ai Cập đã có nhiều thay đổi.

Năm 1997, khi tôi đến đây lần đầu thì kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ đạt 14-15 triệu đô la Mỹ, và hiện nay con số này đã tăng lên 167 triệu đô la, mặc dù vẫn còn khiêm tốn.

Trong quan hệ thương mại giữa hai nước hiện nay, Việt Nam là nước xuất siêu, hàng năm xuất sang Ai Cập 150 triệu đô la Mỹ; còn Ai Cập chỉ xuất sang Việt Nam khoảng 15-20 triệu đô la.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ Đầu tư Ai Cập và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận tăng cường xúc tiến đầu tư giữa hai nước. Ngoài ra, hai bên sẽ cử đoàn đại biểu sang mỗi nước để thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập.

Về phía Ai Cập, tôi sẽ làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương để thúc đẩy Ai Cập công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam. Về Hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh đã ký hiệp định này và chúng tôi sẽ thúc đẩy việc ký hiệp định tại Ai Cập.

Có thể thấy rằng đây là một hiệp định quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và thương mại.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, theo ông hai nước cần làm gì? 

– Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, chúng tôi đã xác định những lĩnh vực ưu tiên để hợp tác gồm nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính. Hiện nay, nền kinh tế Ai Cập có mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm và GDP đạt 180 tỉ đô la Mỹ.

Năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm ngày  thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi nhất trí rằng cần tăng cường trao đổi hơn nữa các đoàn công tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và các đoàn doanh nghiệp.

Ai Cập có kế hoạch gì để cân bằng cán cân thương mại song phương, thưa ông? Kim ngạch thương thương mại giữa hai nước sẽ đạt 300 triệu đô la trong vài năm tới, nhưng còn cột mốc 500 triệu đô la thì sao?

– Theo tôi, sự cân bằng trong cán cân thương mại cũng quan trọng nhưng phải đặt trong bối cảnh chung của quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch… Tôi thấy rằng, sự hợp tác giữa hai bên mới chỉ bắt đầu và chúng ta đang hướng tới hợp tác cân bằng, lành mạnh và bền vững hơn là việc chú trọng đến cán cân.

Trong buổi gặp gỡ với các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy giao thương Việt Nam – Ai Cập có thể đạt mức 300 triệu đô la Mỹ trong vài năm tới. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập còn hiểu biết rất ít về cơ hội đầu tư tại hai nước, do vậy cần đẩy mạnh trao đổi các đoàn doanh nghiệp, nhằm đưa quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Ai Cập lên một tầm cao mới. Nếu chúng ta thực hiện được điều này thì con số 500 triệu đô la Mỹ kim ngạch thương mại song phương không phải là quá xa vời.

Theo ông, lĩnh vực nào doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư vào Ai Cập? Sau chuyến đi, các ông có kế hoạch xúc tiến cụ thể nào không, chẳng hạn như thành lập ủy ban xúc tiến đầu tư hoặc các hiệp hội xúc tiến thương mại?

– Ai Cập đặt mục tiêu tăng trưởng 6-7%, do đó chúng tôi cần một lượng đầu tư tương đương với khoảng 21-22% GDP. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư trong nước chỉ đáp ứng được 2/3 yêu cầu, phần còn lại chúng tôi mong muốn thu hút từ đầu tư nước ngoài. FDI của Ai Cập trong vòng bốn năm qua đạt lần lượt 7 tỉ, 11 tỉ, 13,2 tỉ và 8 tỉ đô la Mỹ, tức là sau bốn năm, trung bình Ai Cập thu hút được 10 tỉ đô la vốn FDI/năm.

Ai Cập là một trong hai quốc gia hàng đầu tại châu Phi trong thu hút vốn FDI cũng như trong khối Ả rập. Về thương mại, chúng tôi nhập khẩu các nguyên liệu thô, thực phẩm và đây là các lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. Ai Cập luôn thúc đẩy tự do hóa thương mại. Chúng tôi không áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất trong khủng hoảng kinh tế; thậm chí chúng tôi còn giảm thuế mà không yêu cầu các quốc gia khác có hành động tương ứng.

Do vậy, chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Ai Cập và chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công thương Ai Cậpđể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Ai Cập. Theo tôi, việc thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại là công việc của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, còn chúng tôi chỉ là những người tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên mà thôi. Hiện nay, cứ 1-2 tuần hoặc 1 tháng lại có đoàn doanh nghiệp rất lớn từ Malaysia đến Ai Cập hoặc ngược lại, và theo tôi Việt Nam – Ai Cập cũng nên đi theo hướng này.

Xin cảm ơn ông. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới