Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Việt Nam cần đổi mới cơ cấu kinh tế”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Việt Nam cần đổi mới cơ cấu kinh tế”

Tư Giang

(TBKTSG Online)- Đại diện chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế đã nhóm họp vào sáng nay (9-6) tại Hà Tĩnh để cùng đánh giá tình hình bất ổn vĩ mô đang gây lo lắng cho doanh nghiệp và người dân.

Nội dung thảo luận chính tại hội nghị giữa kỳ năm nay tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết 11, các chính sách tài khóa và tiền tệ, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ và đời sống của người nghèo.

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam (Vietnam Index of Marcroeconomic Stability) thời điểm hiện tại là rất gần với của tháng 6-2008, khi nền kinh tế được coi là đạt đỉnh khủng hoảng với lạm phát tăng cao. Báo cáo dự đoán, lạm phát theo năm của Việt Nam sẽ đạt đỉnh 22% trong tháng 6 này và giảm dần về mức 15% vào cuối năm. Báo cáo cho rằng, tình hình lạm phát hiện nay của Việt Nam bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính là tăng trưởng tín dụng và thanh khoản rất cao trong nửa cuối năm ngoái và chính phủ kết thúc chậm gói kích cầu.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đồng ý điểm này, khi cho rằng mức tăng tín dụng tương ứng tới 125% GDP trong năm 2010 là mức rất cao và không bền vững. Ông cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 11 là đúng đắn và đã mang lại một số kết quả ban đầu như tỷ giá dần ổn định và Ngân hàng Nhà nước đã có thể bắt đầu tăng mua ngoại tệ.

Ông Bingham cho rằng, lạm phát tới gần 20% hiện nay là rất cao, và dự trữ ngoại hối chỉ đủ 1,5 tháng nhập khẩu là quá thấp. Ông nói: “Chính phủ cần đặt ra một cách nhìn rõ ràng về lạm phát và dự trữ ngoại hối trong trung hạn. Trong 5 năm tới, Việt Nam cần đưa mức lạm phát xuống bằng mức trung bình của ASEAN và dự trữ ngoại hối ít nhất là 3 tháng nhập khẩu. Chỉ khi đảm bảo được 2 chỉ sô này thì niềm tin thị trường sẽ quay trở lại”.

Trưởng đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Ayumi Konishi cho rằng, Chính phủ cần cam kết thực hiện Nghị quyết 11 trong dài hạn để khôi phục lại niềm tin thị trường.

Trong tuyên bố chung với đối tác Úc tại hội nghi, ông cho rằng điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn Chính phủ trông đợi. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Konishi nói: “Mọi người đều tin rằng, lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô không phải là vấn đề ngắn hạn. Nó gắn với cơ cấu kinh tế. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ phải thực hiện những bước đi mang tính quyết định trong việc cải tổ lại nền kinh tế”.

Ông cho rằng, Thông tư 197 của Bộ Công Thương về hạn chế nhập khẩu và một số biện pháp hành chính để kiểm soát giá sẽ tác động tới niềm tin của các nhà đầu tư ở Việt Nam.

“Tôi phải nói rằng, Nghị quyết 11 buộc phải được thực hiện một cách hiệu quả trong tối thiểu 12 đến 18 tháng tới khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã quay trở lại tình trạng cân bằng hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải tiến hành những cải cách cơ cấu như cải thiện đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, cho phép khu vực tư nhân cạnh tranh hơn với khu vực nhà nước. Việc cải cách về cơ cấu phải song song với việc chống lạm phát hiện nay”.

Ông Ayumi Konishi, Trưởng đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á

“Chính phủ cần gửi một thông điệp chính rằng, Nghị quyết 11 không phải chỉ được thực hiện khi lạm phát xuống thấp, mà phải đến khi kỳ vọng về lạm phát đã giảm xuống. Kinh nghiệm năm 2008 cho thấy, lạm phát giảm xuống nhưng kỳ vọng lạm phát không giảm xuống theo tương ứng. Kỳ vọng lạm phát giảm xuống mới có thể nói đến giảm lãi suất tiếp theo. Còn hiện tại thì không thể giảm lãi suất cho vay xuống được khi kỳ vọng lạm phát rất cao. Kinh nghiệm cho thấy lãi suất giảm xuống quá sớm thì 3 đến 6 tháng sau sẽ chịu áp lực lớn về tỷ giá hối đoái và lạm phát quay lại”.

Ông Benedict Bingham, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới