Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam cần phải làm gì để đạt mục tiêu phát triển bền vững?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay, 9-11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng Việt Nam chưa đạt được mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ phải cải thiện tình trạng này.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: DNCC

Phát biểu tại thảo luận, ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội Cần Thơ cho biết, ở góc độ phát triển nhanh thì tuy chưa đạt được kỳ vọng đề ra nhưng Việt Nam vẫn duy trì được khá tốt mục tiêu này. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,95%, giai đoạn 2016-2020 là 6% và Chính phủ cũng đang đặt ra mục tiêu năm 2022 là từ 6% đến 6,5% và cho cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5%-7%. Nhưng ở khía cạnh phát triển bền vững thì chưa đạt được mục tiêu này, thể hiện ở trong các báo cáo, ở phần tồn tại, hạn chế.

“Chúng ta thường nêu rằng phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, chưa bền vững ở đây được thể hiện ở một số các khía cạnh. Ví dụ thu ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu về đất đai, về dầu thô, tài nguyên. Hay xuất khẩu của chúng ta rất ấn tượng, tuy nhiên 75-76% xuất khẩu là từ khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI hoặc các vấn đề về ô nhiễm môi trường thì còn rất nhức nhối”, ông Hùng nhận định.

Trong phần phát biểu trước Quốc hội, ông Hùng đề cập đến 3 chỉ số mà ông cho rằng là quan trọng nhất, phản ánh được tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

Thứ nhất là chỉ số về năng suất lao động xã hội bình quân. Chỉ số này cũng tăng trưởng qua từng thời kỳ, 2011-2015 chúng ta đạt 4,3%, đến 2016-2020 đạt 5,8% và Chính phủ đang đặt mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo là khoảng 6,5%. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây cũng là những mức tăng trưởng cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Bởi vì, nếu so sánh với các nước xung quanh, theo số liệu thống kê năm 2020 thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,6% của Singapore, bằng 19,5% của Malaysia, bằng 37,9% của Thái Lan và 56,9% của Philippines. Tức là so ngay với các nước láng giềng thì tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn.

Về lý do, ông Hùng phân tích có các lý do cơ bản như  tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, bao gồm cả thất nghiệp hữu hình và thất nghiệp trá hình; trình độ năng lực của lao động còn thấp; công nghệ lạc hậu; lĩnh vực sản xuất vẫn chủ yếu tập trung vào gia công và lắp ráp nên giá trị gia tăng ở mức rất thấp. Vì vậy, Chính phủ phải có giải pháp để thúc đẩy hơn nữa chỉ tiêu tăng năng suất lao động bình quân hàng năm thì mới đạt được mục tiêu đề ra.

Chỉ số thứ hai, theo ông Hùng là chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn ICOR. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011-2015 thì ICOR của Việt Nam là 6,3 và đến giai đoạn 2016-2019 kéo xuống được một chút là 6,1%. Tức là để đạt được một đơn vị tăng trưởng, Việt Nam phải bỏ ra hơn 6 đơn vị vốn đầu tư. Đây là một hệ số khá cao, cho thấy hiệu suất của nền kinh tế, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư của chúng ta tương đối thấp.

“Để so sánh trong cùng bối cảnh và cùng một trình độ phát triển kinh tế – xã hội như Nhật Bản những năm 70 và Hàn Quốc, Đài Loan những năm 80, chỉ số ICOR của họ chỉ dao động vào khoảng 2,5 đến 3 – chỉ bằng nửa Việt Nam hiện nay hay so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia thì họ cũng ở trong khoảng là 3,0 đến 4,0. Do vậy, chỉ số ICOR của chúng ta hiện nay vẫn ở mức quá cao so với các nước khác”, ông Hùng nhận xét.

Vị đại biểu Quốc hội Cần Thơ cho rằng, nếu chúng ta vẫn để những dự án kéo dài và đội vốn lớn như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cao tốc Bến Lức – Long Thành thì rất khó để kéo chỉ số ICOR xuống. Một ví dụ khác là dự án điện Ô Môn 3 tại thành phố Cần Thơ thì Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 4 đã vận hành và đi vào triển khai rất lâu rồi. Nhưng Ô Môn 3 mặc dù chủ trương cũng đã được phê duyệt, nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng, tiền vốn cũng đã có, nhưng vẫn chưa triển khai được sau nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa tốt, dẫn đến lãng phí về nguồn lực đầu tư rất lớn ở những dự án như vậy.

Ông Hùng cũng phân tích nguyên nhân chính làm cho ICOR của Việt Nam vẫn ở mức cao như: do phân bổ đầu tư chưa hợp lý, thiếu điểm rơi đối với những ngành, vùng động lực; cơ cấu vốn đầu tư không phù hợp, đầu tư công và đầu tư ngân sách nhà nước còn cao; quản lý đầu tư vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Đây là những lý do mà Chính phủ phải quan tâm và tìm cách giảm hệ số ICOR xuống.

Một chỉ số cuối cùng, theo ông Hùng là chỉ số về nhân tố tổng hợp TFP. Ông đề nghị Việt Nam cần phải tăng chỉ số này lên vì giai đoạn 2016-2020 đã là 45,42%. Trong khi chúng ta chỉ đặt mục tiêu cho 2021-2025 và năm 2022 ở mức 45% là tương đối khiêm tốn. Do vậy, ông đề nghị phải tăng lên và quan trọng nhất là việc đảm bảo hiệu suất của các chỉ tiêu này cần phải đầu tư và có những chính sách đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Quang Huân cũng đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Huân cho rằng Việt Nam phải tập trung vào năng suất lao động vì có dư địa về năng suất lao động rất lớn. Trong bối cảnh muốn tăng GDP thì tăng năng suất lao động là một thành tố là rất tích cực. Nếu lấy một chỉ số so sánh như năm 1990 thì năng suất lao động của Trung Quốc với của Việt Nam là tương đương nhau. Nhưng sau 27 năm thì họ đã tăng liên tục 8,89%/năm, tức là tăng lên 9,4 lần và so sánh thì Việt Nam tăng được 3,74 lần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới