Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam cần tham gia chiến lược hơn để bảo tồn sông Mêkông

Đỗ Quang Tuấn Hoàng thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – LTS: Brian Eyler – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, DC., Mỹ – đã khảo sát từ thượng nguồn đến hạ nguồn của sông Mêkông để kể những câu chuyện trữ tình và ám ảnh về những người phụ thuộc vào tài nguyên nơi đây trong cuốn sách Last Days of the Minghty Mekong(1).

Thông qua câu chuyện sinh kế của các cộng đồng cư dân chịu tác động bởi chính sách khai thác và tái định hình môi trường dòng sông này, ông đưa ra các giải pháp hợp lý, và cũng cảnh báo nếu những kịch bản tốt lành không xảy ra…

Trong cuộc trò chuyện qua e-mail với cộng tác viên Đỗ Quang Tuấn Hoàng của KTSG, ông Brian Eyler đã nhấn mạnh rằng, các kho báu độc đáo của sông Mêkông đang gặp nguy hiểm. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mêkông hùng vĩ đã đến. KTSG xin trích lược nội dung cuộc trò chuyện này.

Brian Eyler. Ảnh: NVCC

KTSG: Điều gì dẫn ông đến quyết định nghiên cứu sông Mêkông?

– Ông Brian Eyler: Tôi biết về sông Mêkông thông qua các nghiên cứu của mình về Trung Quốc và không theo cách mà người bên ngoài Trung Quốc thường biết về sông Mêkông.

Tôi được đào tạo như một nhà kinh tế tập trung vào Trung Quốc và đến Côn Minh vào năm 2004 theo học bổng nghiên cứu từ trường cao học để tìm hiểu về mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Đông Nam Á lục địa.

Một người bạn thân khi ấy đã khuyên tôi, rằng hãy mở rộng tầm nhìn và tìm hiểu về các quốc gia khác ngoài Trung Quốc và tôi đã nghe lời.

Tôi đã dành một tháng ở Côn Minh để nghiên cứu ban đầu và sau đó vài tuần, tôi đi thuyền xuôi dòng Mêkông từ Cảnh Hồng đến khu vực Tam giác vàng. Ban đầu, tôi không quan tâm đến vấn đề tác động của thủy điện trên sông Mêkông bởi vì nghiên cứu ở trường cao học của tôi tập trung hơn vào dòng chảy thương mại và đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng tôi cam đoan rằng một khi bạn nhìn thấy một trong những con đập, giống như tôi đã làm khi tôi đến thăm đập Xiaowan và đập Manwan vào mùa hè năm đó, bạn không thể không nghĩ đến tác động của những con đập này đến các quốc gia ở hạ lưu.

Cuối cùng, tôi đã đúc kết kinh nghiệm và nghiên cứu của mình vào việc phát triển và điều hành một chương trình du học cho sinh viên từ các trường đại học ở Mỹ. Chương trình này cũng có trụ sở tại Côn Minh và tập trung vào một loạt vấn đề pháp luật ở Trung Quốc, Đông Nam Á, sông Mêkông và tất cả các mối liên hệ đan xen.

Tôi đã dẫn dắt những sinh viên đó đi nghiên cứu thực địa kéo dài ba tuần trong toàn bộ lưu vực sông Mêkông, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam và điều này giúp tôi tiếp xúc với nhiều người được phỏng vấn trong cuốn sách. Cuốn sách của tôi kể một số câu chuyện về cách những sinh viên Mỹ này tương tác với các cộng đồng địa phương và cách họ hiểu được sự hùng mạnh của sông Mêkông.

Bìa cuốn sách Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ.
Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

KTSG: Ông nói rằng mình thích nhất chương 7 của cuốn sách, viết về ảnh hưởng của người dân ở Siphandone bị tác động bởi dự án thủy điện Don Sahong. Tại sao?

– Tôi không thể nói đó là chương yêu thích của tôi vì chủ đề chắc chắn quá ảm đạm. Nhưng quả thực chương đó chứa đựng những kỷ niệm yêu thích của tôi sau những trải nghiệm và gặp gỡ những con người bản địa.

Tôi tự hào nhất phần viết về Tonle Sap (chương 9) vì tôi đã dùng nhiều tháng để tìm ra những từ phù hợp để mô tả một loạt vấn đề phức tạp đe dọa trái tim đang đập của sông Mêkông.

Chương này, giống như hầu hết các cuốn sách, là sự kết hợp giữa kể chuyện và đi sâu tìm hiểu về khoa học và các quá trình sinh thái làm cho sông Mêkông hùng vĩ. Tôi thường nói nếu bạn có thể hiểu Tonle Sap thì bạn có thể hiểu Mêkông.

KTSG: Những đập thủy điện dày đặc phá nát sông Mêkông hầu như đã là chuyện không thể thay đổi, nhưng theo ông, cộng đồng cư dân sống hai bên bờ sông có thể làm gì để góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học của dòng sông này? Trong quá trình nghiên cứu ông thấy mô hình hoạt động cộng đồng nào ấn tượng nhất?

– Ở ĐBSCL của Việt Nam, có nhiều lựa chọn sẽ giúp cộng đồng thích ứng với tình trạng bất định trong tương lai, bất kể các đập đang làm gì ở thượng nguồn. Chắc chắn các hoạt động của đập trên dòng chính ở thượng nguồn tác động đến dòng chảy của nước ở đồng bằng và góp phần vào việc xâm nhập mặn và phá hủy các đê dọc theo sông. Tuy nhiên, đa canh – sử dụng đầu vào tự nhiên và chu trình canh tác khép kín – để tạo ra sản phẩm có giá trị cao là một hướng đi cho một số nông dân ở đồng bằng.

Chương cuối của cuốn sách kể về câu chuyện của ông Lê Hoàng Thanh, chủ một trang trại nhỏ ở cách trường Đại học Cần Thơ vài ki lô mét, mà tôi gặp lần đầu vào năm 2016. Gần 20 năm trước, ông đã chuyển đổi 0,5 héc ta đất của mình thành một dự án đa canh, và cùng với giáo sư Nguyễn Minh Quang từ Đại học Cần Thơ, ông huấn luyện những nông dân khác thực hiện quá trình chuyển đổi.

Trang trại sau nhà ông có hai cái ao có cây đước bao quanh nuôi đầy cá chép, cá rô phi, ốc và bèo cái. Bao quanh các ao và ngôi nhà của ông là 80 cây trĩu quả gồm bưởi, sầu riêng và bòn bon.

Mọi sản phẩm của trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ và hệ thống của ông hoàn toàn khép kín, nghĩa là không mang gì từ bên ngoài vào trang trại, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học hay thuốc kháng sinh để duy trì năng suất. Ốc và cá của ông ngon nhất Cần Thơ.

Ông tạo ra khí sinh học từ chất thải của quá trình canh tác để cung cấp gas dùng nấu ăn và thậm chí chạy máy điều hòa không khí trong những tháng nóng.

Thanh nói với tôi: “Tôi thực sự thích hệ thống này. Nó có thể tự vận hành. Có khi vài tuần tôi chẳng để ý đến nó”.

Ông ấy kiếm được từ 5.000-6.000 đô la Mỹ mỗi năm. Con số này đặc biệt ấn tượng so với ông Diệp, người nông dân trồng mía ở xã An Thạnh, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng một năm chỉ kiếm được 1.000 đô la từ 180 héc ta đất trồng mía.

Thanh là một trong những nông dân thành công và giỏi giang nhất tôi gặp trong tất cả các chuyến đi đến vùng sông Mêkông. Thanh đại diện cho tinh thần đổi mới thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên sông Mêkông.

KTSG:Theo ông, Việt Nam nên làm gì để đóng góp vào việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa của sông Mêkông?

– Tôi cho rằng Việt Nam cần tham gia chiến lược hơn với Campuchia và Lào để giảm số lượng đập được xây dựng ở các nước này trong tương lai thông qua việc thúc đẩy các lựa chọn đầu tư khác.

Năm 2019, Việt Nam đã ký hợp đồng cho các dự án năng lượng mặt trời gần 30.000 MW và không ai có thể đoán được câu chuyện thành công như vậy dù chỉ ba năm trước. Thành công này có thể được chuyển giao cho Campuchia và Lào để các nước này sẽ xây dựng ít đập hơn, do đó giảm tác động của các đập đối với ĐBSCL.

Đó là một chiến lược đôi bên cùng có lợi sẽ giúp Nghị quyết 120 của Việt Nam ban hành vào cuối năm 2017 thực sự có hiệu quả ở đồng bằng.

Nghị quyết 120 thôi coi trọng việc sản xuất lúa gạo và kêu gọi các giải pháp căn cơ để chuyển vùng đồng bằng sang con đường phát triển bền vững hơn, hứa hẹn sẽ khôi phục các điều kiện tự nhiên cho vùng châu thổ và cho phép thiên nhiên thực hiện công việc và sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.

Đây là những khát vọng có thể đạt được, nhưng chúng chỉ khả thi nếu có một chính sách đối ngoại thông minh hoạt động để đạt được đồng thời những mục tiêu này.

 

(1) Những ngày cuối của dòng Mêkông hùng vĩ (Nguyễn Đình Huỳnh dịch, 2020. Hà Nội: Phanbook và Nxb Phụ nữ)

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhưng cũng nhìn nhận mặt tích cực khi trữ nước trên các khu vực trên cao .Ta nhận thấy gió Lào giờ ít khốc liệt ,vùng cao nguyên giờ hết đỏ lửa như hồi xưa ,mùa hè ở các nước Đông Dương có vẻ dịu bớt, cư dân quanh hồ có lẽ hưởng lợi từ các hồ. Thuỷ điện làm giảm ô nhiễm như khi đốt than hay khí đốt. Nhìn Trị An hay hồ Dầu Tiếng ta thấy rõ nhất về môi trường cũng như kinh tế. Chưa hẳn có hại hết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới