Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam chưa cần phá giá đồng nội tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam chưa cần phá giá đồng nội tệ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam chưa có nhu cầu phá giá đồng nội tệ”. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Tại cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ (4-2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ vẫn điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường nhưng hiện tại chưa có nhu cầu phá giá đồng nội tệ.

Báo giới đặt câu hỏi, nhiều quốc gia trên thế giới đang phá giá đồng nội tệ vì những mục đích khác nhau để cứu vãn nền kinh tế, liệu Việt Nam có chủ trương điều hành theo hướng này không? 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng, việc điều hành tỷ giá là ảnh hưởng tổng thể đến nhiều mối quan hệ tài chính, tiền tệ; Chính phủ hiện tại vẫn điều hành tỷ giá trên nguyên tắc thị trường, với quan điểm như vừa qua là nới rộng hết biên độ tỷ giá ở mức 3% để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tại nguồn cung và cầu ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ hiện đang được cân bằng trong các giao dịch của nền kinh tế nên Chính phủ chưa có nhu cầu phá giá đồng nội tệ.

Thậm chí, nguồn cung đô la Mỹ của các ngân hàng thương mại hiện nay còn dồi dào nên Chính phủ vừa phát hành trái phiếu, mua vào cho các ngân hàng 1 tỉ đô la nên việc phá giá nội tệ lại càng chưa phải là nhu cầu cấp bách.

“Nếu phá giá đồng nội tệ, khiến cho tỷ giá đang ở mức hơn 17.000 đồng Việt Nam/1 đô la Mỹ có thể lên đến 18.000 đồng/1 đô la thì không biết số nợ nước ngoài của Việt Nam hiện là 18 tỉ đô la, quy ra tiền đồng sẽ đội lên đến mức nào, ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách ra sao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng nhận định rằng, năm 2008 đã xảy đến nhiều thách thức không lường trước và những khó khăn sẽ tiếp tục đeo đuổi sang năm 2009, với mức độ ngày càng khác và lớn hơn.

“Ban đầu, khi họp điều hành kinh tế vĩ mô, chúng tôi cho là thế giới khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng. Sau đó mới thấy không phải là như vậy mà là khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ hệ thống tài chính ở Mỹ đổ bể. Rồi sau đó lại thấy không phải là khủng hoảng nữa mà là đại khủng hoảng toàn cầu, chưa biết đáy ở đâu. Nếu không dành tâm sức chỉ đạo, điều hành đúng đắn, sẽ rất phức tạp, khó khăn”.

Thủ tướng dẫn lại thông tin từ các cơ quan dự báo kinh tế thế giới, cho rằng năm 2009, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ có thể đạt 0,5%, mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua (mới hai tháng trước, Quỹ tiền tệ IMF còn dự báo mức tăng trưởng này là 2,2%). Tổ chức lao động Liên hợp quốc thì dự đoán có khoảng 250 triệu người mất việc làm trong năm 2009.

Ở trong nước, nguồn thu ngân sách đang giảm đáng kể do 25% GDP phụ thuộc vào bán dầu thô mà dầu thô bán giá hiện nay chỉ xoay quanh mức 40 đô la Mỹ/thùng so với mức bình quân 104 đô la/thùng năm trước.Trong khi ấy, thu ngân sách được Quốc hội thông qua ở mức 70 đô la/thùng và dự toán chi tiêu ngân sách quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội cũng dựa trên những tính toán đó. Do vậy, ông cho rằng, việc duy trì mức tăng trưởng GDP hợp lý vẫn xoay quanh con số 6% để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh. Và trong vấn đề này, các giải pháp về tiền tệ đóng vai trò quyết định.

“Thông qua việc hỗ trợ lãi suất 4%, Chính phủ đã tạo thêm cho doanh nghiệp 420 ngàn tỉ đồng tiền vốn lưu động để phục hồi sản xuất”. Song, ông Dũng cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ này chỉ đến ở giai đoạn hậu kiểm, khi các doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn tốt, có doanh số, đến giai đoạn trả nợ ngân hàng thì mới được hỗ trợ, chứ không phải Chính phủ ứng tiền lãi suất trước.

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bổ sung thêm, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ đầu năm, các thành viên Chính phủ đã quyết định trong năm 2009, nền kinh tế vĩ mô sẽ được điều hành thông qua nhiều biện pháp linh hoạt nhưng sẽ có ba đề án lớn được Chính phủ tập trung thực hiện: 1/Đề án thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 2/ Đề án về an ninh lương thực, 3/ Đề án về tập đoàn kinh tế.

Trong đề án thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ trong 3 năm gần nhất, đã có 149,7 tỉ đô la Mỹ được các nhà đầu tư đăng ký vào Việt Nam, hiện đã giải ngân trên 30% các dự án này, tạo ra 1,7 triệu việc làm và ngân sách nhà nước thu được 5 tỉ đô la từ các khoản thuế. Do vậy, trước những biến động kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn tiếp tục khuyến khích thu hút vốn FDI nhưng không phải thu hút bằng mọi giá như trước mà tập trung giúp giải ngân các dự án, đặc biệt với các dự án tiết kiệm năng lượng và diện tích đất sử dụng.

Đề án về an ninh lương thực là thực hiện tổng lực các biện pháp để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất,chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực bền vững.

Đề án về tập đoàn kinh tế nhà nước cũng sẽ được đặc biệt chú trọng vào việc giảm số lượng, quy mô doanh nghiệp nhà nước, tiến tới cổ phần hóa hầu như toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước nắm nguồn vốn chi phối nhằm đưa doanh nghiệp ra thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới