Việt Nam chưa phát hiện mẫu dương tính với virus cúm A/H7N9
Thùy Dung, Hoàng Nhung
![]() |
Buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ, Hà Nội – Ảnh minh họa: TD |
(TBKTSG Online) – Việt Nam vẫn đang ở tình huống thứ nhất, tức là chưa phát hiện virus cúm gia cầm A/H7N9 đối với cả mẫu trên gia cầm, môi trường và con người. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người tiêu dùng không nên tẩy chay đối với các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng để tránh ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi.
Ứng phó chủ động
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tại cuộc họp báo tháng 3 của Bộ này vào ngày 3-3-2017, cho biết trước đây chúng ta bị động phòng chống dịch nhưng những năm gần đây đã chuyển từ thế bị động sang chủ động. Chính vì vậy, dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 đã trở thành dịch bệnh địa phương.
Trung bình vẫn có 1 – 7% gia cầm, thủy cầm, đặc biệt là vịt, ngan vẫn khỏe mạnh nhưng mang virus cúm gia cầm H5N1 và H5N6. Hiện nay, cả nước còn các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của bảy tỉnh chưa qua 21 ngày. Trong đó cúm A/H5N1 xảy ra tại 10 hộ của tám xã và cúm A/H5N6 xảy ra tại năm hộ của ba xã. “Trong gần tám triệu hộ chăn nuôi, số ổ dịch chỉ xảy ra ở vài chục hộ thì không thể dùng từ bùng nổ dịch bệnh được”, ông Thành nói. Ông cho biết thêm, những ổ dịch này đã được khoanh vùng, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc nên không lây lan trên diện rộng.
Tuy nhiên, đáng lo nhất hiện nay là virus cúm A/H7N9 vì gia cầm mắc virus này không có triệu chứng lâm sàng nhưng khi nhiễm sang người thì tỷ lệ tử vong cao gần 40%.
Hiện Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Y tế tiến hành các biện pháp để ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã có kế hoạch hành động khẩn cấp với bốn tình huống: Tình huống 1 là khi chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 ở gia cầm, người, môi trường; Tình huống 2 là khi chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 ở môi trường và gia cầm nhưng phát hiện trên người; Tình huống 3 là phát hiện virus cúm A/H7N9 trong môi trường, gia cầm nhưng chưa phát hiện trên người; Tình huống 4 là phát hiện ra trên gia cầm, môi trường và có người mắc bệnh.
“Hiện nay Việt Nam đang ở tình huống 1. Các cơ quan chức năng đã lấy trên 200.000 mẫu môi trường, gia cầm, người tại 200 chợ, tụ điểm có nguy cơ cao của 20 tỉnh, thành phố, trong đó có cả Hà Nội, nhưng các mẫu chưa phát hiện dương tính với virus cúm A/H7N9”, ông Đàm Xuân Thành cho biết.
Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn về tăng cường phòng chống dịch cúm A/H7N9 và ban hành kế hoạch khử trùng tiêu độc đợt 1. Đồng thời, thành lập năm đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm này tại các tỉnh biên giới và lập tám đội phản ứng nhanh gồm 100 người có kinh nghiệm và tăng cường lấy mẫu. Ngành y tế cũng lấy hơn 4.000 mẫu trên người mắc viêm phổi cấp, viêm đường hô hấp nhưng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus cúm A/H7N9 trên người.
Nên mua gia cầm có nguồn gốc rõ ràng
Cục Thú y khuyến cáo người tiêu dùng mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm soát thú y, kiểm soát giết mổ, không nên ăn tiết canh và khi tiếp xúc với gia cầm ốm, chết phải rửa tay bằng xà phòng. Đối với người chăn nuôi, nên mua giống từ nơi có nguồn gốc rõ ràng, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vaccine cúm A/H5N6, cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm, đặc biệt không vứt xác gia cầm ốm chết bừa bãi. “Khi phát hiện gia cầm chết phải báo ngay cho cơ quan thú y để tiêu hủy và hỗ trợ, nếu tự ý vứt ra môi trường sẽ bị phạt theo quy định”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị để phòng chống nhập lậu gia cầm qua biên giới, cần mở rộng dự án tăng cường sản xuất giống tại chỗ cho bảy tỉnh biên giới phía Bắc lên quy mô gấp năm lần hiện nay. Khi đó, người dân sẽ chủ động được con giống và giảm tiêu thụ qua biên giới. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi đang đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng VietGAP và chăn nuôi an toàn sinh học để có được thực phẩm an toàn.
Nâng mức cảnh báo: coi như có ca bệnh xâm nhập
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước những diễn biến phức tạp và ngày càng mở rộng của dịch cúm A/H7N9 của Trung Quốc và một số ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Nam Định, sáng nay (3-3-2017) Ban chỉ đạo phòng chống các chủng vi rút gia cầm độc lực cao trên người đã họp khẩn và nâng mức cảnh báo của dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, nước ta hoàn toàn có thể bị xâm nhập bởi chủng vi rút cúm gây tử vong nhiều người như ở Trung Quốc hiện nay. Các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông giáp Việt Nam đã có nhiều ca mắc, gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vẫn còn phức tạp. Hiện nay, mặc dù các ban, ngành đang tiếp tục lấy các mẫu giám sát gia cầm ở các tỉnh vùng biên, nhưng việc này rất khó khăn bởi cúm A/H7N9 không biểu hiện trên đàn gia cầm, gia cầm không có biểu hiện ốm, chết như cúm A/H5N1.
Lãnh đạo các ngành nông nghiệp và y tế đều cho rằng, thực tế hiện nay vẫn chưa chấm dứt được tình trạng vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, Việt Nam đang ở giai đoạn coi như có ca bệnh xâm nhập để nâng cao tất cả các cấp độ giám sát, không để dịch cúm chết người này lây lan.
Theo ông Long, không có cúm trên gia cầm thì không có bệnh lây từ gia cầm trên người. Vì thế, việc chặn cúm gia cầm xâm nhập là rất quan trọng. Ngoài việc giám sát trên đàn gia cầm, cũng cần lấy mẫu ở những người ở khu vực có nguy cơ cao, tiếp xúc gia cầm để giám sát.
Bộ Y tế đang giám sát chặt chẽ hơn ở các cửa khẩu xuất, nhập cảnh của Việt Nam, xem xét việc thực hiện tờ khai y tế với người nhập cảnh từ Trung Quốc và các quốc gia đang có dịch bệnh. Tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn của Việt Nam, trong hai tháng đầu năm, việc giám sát đã được thực hiện với 90 ngàn lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia nhưng không ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm này.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ nên đi đến vùng có dịch cúm A/H7N9 khi có việc cần thiết. Người dân tiếp xúc, giết mổ gia cầm cần có phương tiện bảo hộ, tuyệt đối không ăn tiết canh (vịt, ngan) phòng nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người. Bộ Y tế cũng yêu cầu bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu qua đường mòn. Trang bị bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ, tránh việc tiếp xúc, lây từ gia cầm.
Loại virus A/H7N9 chứa các chủng gen từ ba nguồn gia cầm: Chủng N9 từ các loài chim hoang dã, chủng H7 từ vịt ở Trung Quốc và các kiểu gien nội khác từ đàn gia cầm nuôi tại khu vực. H7N9 là loại virus phát tán trong gia cầm và lây lan sang người tại Trung Quốc từ đầu năm 2013. Đến ngày 22-2-2017, các tỉnh ở Trung Quốc đã phát hiện virus cúm này lây nhiễm cho 1.230 người và khiến 428 người tử vong (tỷ lệ tử vong gần 40%). Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 449 trường hợp, 96 tử vong. Virus cúm này không lây truyền khi ăn các thực phẩm đã nấu chín, nếu thực phẩm đạt đến 70°C toàn phần, đồ ăn sẽ an toàn để ăn với điều kiện đã được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, FAO khuyến cáo không ăn động vật mắc bệnh hoặc động vật có thể đã chết vì bệnh. |
Mời đọc thêm: