Việt Nam có ca cao đạt chứng nhận UTZ
Ngọc Hùng
![]() |
Theo ông Trương Tấn Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, trong thời gian tới tỉnh có kế hoạch trồng ca cao trong các vườn điều để tăng thu nhập cho người dân. Hiện Bình Phước có khoảng 1.000 héc ta trồng xen kẻ ca cao trong điều. Ảnh: Ngọc Hùng |
(TBKTSG Online) – Ngày 22-2, sau hơn 6 tháng thực hiện chương trình sản xuất ca cao theo quy trình sản phẩm nông nghiệp có trách nhiệm Việt Nam đã có 70 tấn ca cao theo tiêu chuẩn UTZ. Đây là 70 tấn ca cao đạt UTZ đầu tiên trong kế hoạch sản xuất 560 tấn ca cao UTZ của năm 2011 của ngành ca cao Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Vượng, Giám đốc chương trình thu mua ca cao Công ty TNHH Cargill cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết, hiện giá ca cao được mua trên thị trường là 62,4 triệu đồng/tấn, nhưng với ca cao đạt UTZ được Cargill mua với giá 64,4 triệu đồng/tấn, cao hơn ca cao không đạt tiêu chuẩn khoảng 2 triệu đồng/tấn.
“Với mức giá mua ca cao đạt UTZ cao như vậy, tôi tin rằng, sẽ khuyến khích người dân trồng ca cao sẽ chuyển đổi sang trồng theo tiêu chuẩn UTZ trong những năm tới”, ông Vượng cho biết. Theo ông Vượng, hiện cả nước có khoảng 16.000 héc ta trồng ca cao, tập trung ở các tỉnh như Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, trong đó, có khoảng 5.000 héc ta ca cao cho thu hoạch với tổng sản lượng trong năm nay vào khoảng 2.800 tấn.
Hiện diện tích trồng ca cao UTZ là 670 héc ta/5.000 héc ta cho thu hoạch, chứng tỏ chương trình trồng ca cao sạch đạt UTZ mà Cargill khởi xướng đang nhận được sự quân tâm của người dân, ông Vượng cho biết.
Chương trình UTZ cho ca cao ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 7 năm 2010 với 9 công ty tham gia sản xuất và trồng ca cao UTZ tại các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây cũng là 4 tỉnh có diện tích trồng ca cao chủ yếu của nước ta.
UTZ là chương trình chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp có trách nhiệm, không những bảo đảm về chất lượng mà còn bảo đảm về mặt môi trường, kinh tế và xã hội. |