Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam có còn hấp dẫn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam có còn hấp dẫn?

Tư Giang

Việt Nam có còn hấp dẫn?
Các nhà doanh nghiệp nước ngoài khai thác dòng mủ cao su đầu tiên trong trang trại mà họ đã đầu tư ở Tây Ninh. Việt Nam cần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa để thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới. Ảnh: THANH TAO.

(TBKTSG) – Cầm cuốn “Sách trắng 2012” dày 200 trang về những vấn đề còn tồn tại liên quan đến thương mại và đầu tư, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nói: “Nó vẫn còn rất dày và chúng tôi thấy sự cải thiện không bao nhiêu so với một năm trước đây”.

>>> Vốn ngoại ra đi

Kết quả chưa tương xứng với nỗ lực

Giữa tuần trước, ông Alain Cany, dùng bữa sáng với một vị khách đặc biệt là chủ một ngân hàng lớn ở Pháp. Vị khách này nhờ ông cập nhật về tình hình Việt Nam vì muốn chuyển hướng đầu tư sang châu Á do lo ngại hoạt động kinh doanh bị đình trệ vì cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Việt Nam và Indonesia là hai nước mà vị khách này hướng đến.  Tuy nhiên, theo lời kể của ông Alain Cany, kết thúc bữa ăn, nhà tài phiệt nọ nói là ông ấy thích Indonesia hơn Việt Nam.

Trong suốt thập kỷ qua, ông Alain Cany vẫn thường tiếp các nhà đầu tư châu Âu, như vị khách nói trên, đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Lần nào, ông cũng thuyết phục họ đến đầu tư ở Việt Nam nhưng nỗ lực thì nhiều mà chẳng mấy kết quả. Hồi đầu năm nay, ông cũng tiếp đại diện của hai hãng bán lẻ khổng lồ là Tesco của Anh và Carrefour của Pháp tại Hà Nội. Những vị khách này nói rằng, tăng trưởng kinh tế và dân số trẻ đã giúp cho Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt của họ. Song, thật đáng tiếc, kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam của hai hãng này đến nay vẫn còn trên giấy vì những thủ tục cấp phép rắc rối. Ông Alain Cany nói: “Cuối cùng, họ tạm thời chưa đầu tư vào Việt Nam mà chuyển sang Thái Lan, Malaysia và Indonesia”.

Thật đáng tiếc, những câu chuyện như trên ngày càng dài ra, đặc biệt là mấy năm gần đây. Bất ổn kinh tế vĩ mô, thủ tục hành chính rườm ra, chất lượng nguồn nhân lực yếu kém, cơ sở hạ tầng lạc hậu và hàng loạt những yếu tố bất lợi cho kinh doanh khác đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư. Ông Cany thú nhận: “Nhiều khi người ta không còn tin tôi nữa vì tôi khuyến khích họ nhiều quá mà họ lại cảm thấy không đúng như những gì tôi nói. Tôi xin lỗi phải nói rằng, có nhiều người quyết định chưa đầu tư vào Việt Nam trong thời điểm này, hoặc không đầu tư nữa vì họ thấy không thoải mái với môi trường kinh doanh ở đây”.

Có nhiều người quyết định chưa đầu tư vào Việt Nam trong thời điểm này, hoặc không đầu tư nữa vì họ thấy không thoải mái với môi trường kinh doanh ở đây.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham

Liệu nhận xét của chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài có số hội viên lớn nhất tại Việt Nam có quá không? Ông Cany đưa ra những dẫn chứng. Theo kết quả cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quí (BCI) của EuroCham, chỉ số BCI đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm thể hiện sự sụt giảm lòng tin vào Việt Nam là một điểm đến đầu tư. Cùng với sự sụt giảm 28% FDI trong chín tháng đầu năm 2011 và lạm phát gần 20%, các doanh nghiệp châu Âu đang quan ngại về môi trường kinh doanh và đầu tư tại đây. Cầm cuốn “Sách trắng 2012” dày 200 trang về những vấn đề còn tồn tại liên quan đến thương mại và đầu tư, ấn phẩm xuất bản lần thứ 4, ông Alain Cany nói: “Nó vẫn còn rất dày, và chúng tôi thấy sự cải thiện không nhiều so với một năm trước đây”.

Nói với đại diện Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tuần trước, ông đề xuất sáu lĩnh vực trọng yếu cần giải quyết ngay trước mắt. Trước hết là ổn định môi trường kinh tế vĩ mô; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư, cụ thể là trong lĩnh vực cấp phép; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tiếp tục thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và đảm bảo nguồn cung năng lượng; nâng cao chất lượng của lực lượng lao động; và cuối cùng là giải quyết nạn tham nhũng, thói quan liêu, đơn giản các thủ tục hành chính tại tất cả các cấp.

Không phải là cá biệt

Câu hỏi đặt ra là liệu những vấn đề nêu trên có phải là cá biệt với các nhà đầu tư châu Âu đang làm ăn tại đây? Dường như có một điểm chung là hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động cùng suy giảm niềm tin. Báo cáo về cảm nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam được thực hiện tại 240 doanh nghiệp, gồm cả trong nước và FDI, do Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam công bố tuần trước cho thấy, năm 2011 rõ ràng là một năm mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nói: “Chỉ số cảm nhận môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp giảm xuống thấp nhất trong vòng ba năm trở lại nay, bằng một nửa so với một năm trước đó”. Báo cáo cho biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bi quan hơn so với doanh nghiệp trong nước. Năng lực quản lý kinh tế vĩ mô lần đầu tiên bị xếp vào nhóm ba lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh năm nay. Đa số các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, họ khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường, cải thiện hệ thống hạ tầng vận tải, năng lượng…

Luật sư điều hành Công ty luật Baker & McKenzie Fred Burke, người đại diện cho Nhóm công tác sản xuất và phân phối tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhận xét: “Có rất nhiều thách thức cần phải vượt qua để khu vực sản xuất có thể phát triển và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu thanh niên đến tuổi lao động. Nhiều thách thức trong số này là do con người gây ra và do đó có thể được giải quyết ngay”. Nhưng, không như mong muốn của luật sư có hơn mười năm kinh nghiệm tại Việt Nam, những thách thức đó ít khi được giải quyết. Chẳng hạn như, quy định về mức khấu trừ tối đa 10% đối với chi phí tiếp thị tồn tại đã hàng chục năm nay; giấy phép nhập khẩu tự động nhưng lại không có gì là tự động cả và không phù hợp với những tiêu chuẩn của WTO; hay quy định “kiểm tra nhu cầu kinh tế” nhằm hạn chế các nhà bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng cơ sở… Bên cạnh đó, quy định mới về giấy phép lao động được luật sư Fred than phiền là dùng một chiếc búa tạ để đóng cái đinh nhỏ bởi trong khi lao động nước ngoài bất hợp pháp vẫn tiếp tục tồn tại, thì những quản lý, kỹ thuật viên, các nhà chuyên môn và chuyên gia đào tạo mà Việt Nam cần lại gặp nhiều khó khăn hơn do các quy định này gây ra. 

Là người thay mặt Chính phủ Việt Nam đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn. Lạm phát cao, chính sách tiền tệ siết chặt, sản xuất công nghiệp tăng chậm, hàng tồn kho tăng cao là những thách thức chính mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Ông nói: “Chính phủ nhận thức bất ổn kinh tế vĩ mô là do sự yếu kém nội tại của nền kinh tế là chủ yếu, bên cạnh tác động của kinh tế thế giới suy giảm”.

Nhưng, ở một góc độ khác, không e ngại trước những lời than phiền của các doanh nghiệp đang hoạt động, ông Vinh khẳng định: “Việt Nam không thể thu hút FDI bằng mọi giá, phải có sự chọn lọc”. Bộ này đã tư vấn cho Thủ tướng ký Chỉ thị 1617 hồi tháng 9 vừa qua nhằm chấn chỉnh công tác cấp phép FDI. Chỉ thị này yêu cầu, không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, Cục Đầu tư nước ngoài đang chờ các địa phương báo cáo về 20 dự án lớn đã được cấp phép mà không triển khai trước khi họ đưa ra quyết định cuối cùng.

Làm đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, có lẽ “than phiền” là một trong những nhiệm vụ của ông Alain Cany. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong suốt hai thập kỷ qua. Ông nói: “Chính phủ Việt Nam đã làm khá nhiều việc để cải thiện môi trường kinh doanh và 663 doanh nghiệp châu Âu phải cám ơn vì điều đó”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới