Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam có nguy cơ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam có nguy cơ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tiếp tục tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới trong khi chờ đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành vào ngày mai (26-3). Một số chuyên gia cảnh báo rằng, nếu tính toán không kỹ lưỡng, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt giống như câu chuyện đã từng xảy ra vào thời điểm năm 2008.

Việt Nam có nguy cơ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng không nên tạm dừng xuất khẩu gạo. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi Bộ Công Thương có văn bản số 2101/BCT- XNK ngày 24-3-2020 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị "dừng" thực hiện "tạm dừng" xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020, tức vẫn cho xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trước mắt tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), Bộ Tài chính thành lập đoàn kiểm tra để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm rà soát nguồn cung và thực hiện dự trữ, lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng báo cáo Thủ tướng quyết định trước ngày 28-3.

Trao đổi với TBKTSG Online về việc có nên dừng xuất khẩu gạo hay không, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam nhấn mạnh rằng: "Không nên tạm dừng xuất khẩu gạo vào lúc này”.

Theo ông Bích, vụ lúa đông xuân 2019-2020, ở miền Nam đang được mùa và miền Bắc cũng đứng trước triển vọng được mùa, trong khi đó, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 2,5 tháng đầu năm nay chỉ vượt 1,3 triệu tấn. “Điều này có nghĩa, khối lượng gạo xuất khẩu đang ở mức bình thường, không tăng đột biến”, ông cho biết.

Ông Bích cho rằng, giá gạo Thái Lan đang được đẩy lên cao bởi hai lý do: thứ nhất, sản xuất trong nước bị mất mùa; thứ hai, đồng baht Thái tăng giá nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái phải tăng giá. Điều này, giúp giá gạo Việt Nam “nương theo” giá Thái Lan, là tín hiệu tốt. “Như vậy, gạo trúng mùa, được giá, thì ngưng xuất làm gì?”, ông nêu câu hỏi.

Cơ sở để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu gạo lúc này, thay vì dừng, ông Bích dẫn dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, gạo thế giới năm nay không mất mùa, tức vẫn ở mức 499 triệu tấn như năm ngoái; tồn kho gạo thế giới vẫn rất lớn, trong khi nhu cầu thương mại gạo toàn cầu chỉ tăng 1 triệu tấn, tức không tăng đột biến. “Như vậy, thời điểm bây giờ có giá tốt nên xuất khẩu”, ông tái nhấn mạnh.

Theo ông Bích, giá gạo của Việt Nam hiện đang chào bán cao hơn nhiều so với Ấn Độ, Pakistan, cho nên, nếu Việt Nam tiếp tục đẩy giá lên chẳng những không bán được cho thị trường châu Phi- vốn là thị trường chủ lực của Ấn Độ và Pakistan, mà còn mất luôn cả khách hàng châu Á. “Nếu để khách hàng châu Á quay sang nhập khẩu của Pakistan, Ấn Độ, thì coi như mình ngồi chơi”, ông nói và cho biết câu chuyện tương tự đã từng xảy ra vào năm 2011, tức Việt Nam “nương theo” giá Thái Lan dẫn đến khách hàng châu Á quay sang nhập gạo của Pakistan, Ấn Độ. “Sau đó, bước sang năm 2012, mình (Việt Nam) phải “đại hạ giá” mới xuất được”, ông nhấn mạnh.

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế khi trao đổi với TBKTSG Online cho biết, trước khi có thông báo số 121 ngày 8-3-2020 (và quyết định tạm ngưng đăng ký xuất khẩu gạo mới vào hôm nay, 25-3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm đề án an ninh lương thực. Số liệu báo cáo tại hội nghị cho thấy: năm 2018, sản xuất lúa quy ra gạo của Việt Nam là 30,7 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa là hơn 9 triệu tấn.

Như vậy, vẫn còn dư khoảng 21,7 triệu tấn gạo và nếu trừ đi phần cho xuất khẩu hàng năm là 6-7 triệu tấn, thì vẫn còn dư 14,7 đến 15,7 triệu tấn gạo (lấy số tròn là 15 triệu tấn). “Đó là trong điều kiện của năm sản xuất bình thường”, ông cho biết.

Trường hợp xảy ra sự cố đốt biến do hạn hán mất mùa, thì lấy mốc của năm 2016- năm khô hạn lịch sử khiến Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa, tương đương quy ra khoảng 500.000 tấn gạo. “Như vậy, nếu tính cả nước, tôi cho thiệt hại đến 1 triệu tấn gạo do tình hình bất ngờ của thiên tai, thì chúng ta vẫn còn dư đến 14 triệu tấn gạo”, ông Hiệp cho biết.

Trong khi đó, câu chuyện an ninh lương thực lâu nay được mặc định là ăn gạo, dù người Việt tiêu thụ nhiều gạo. Nhưng, ông Hiệp cho rằng, lương thực không chỉ có gạo, mà còn những cây lương thực, thực phẩm khác và phải được nhìn ở góc độ dinh dưỡng. “Rõ ràng, thống kê 10 năm gần đây cho thấy tỷ lệ tiêu dùng gạo của người Việt Nam đã giảm đi và đây cũng là xu thế tất yếu của các nước khi đời sống người dân tốt hơn”, ông cho biết.

Như vậy, nếu chọn một giải pháp an toàn trong bối cảnh hiện nay là ngưng xuất khẩu gạo, trong khi đó, nguồn cung quá dư thừa, thì sẽ tạo ra một nguy cơ gánh nặng cho người trồng lúa rất lớn. “Chúng ta lấy cái gì để bù đắp nếu như không xuất được gạo, không giải phóng được lượng hàng hóa, sẽ sử dụng làm cái gì?”, ông nêu vấn đề.

Theo ông Hiệp, trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến sản phẩm sau gạo trong nước chưa phát triển để phục vụ tiêu dùng của 100 triệu dân, trong khi lượng gạo dư thừa quá lớn (gần 22 triệu tấn, chưa trừ xuất khẩu hàng năm 6-7 triệu tấn và tính trong năm sản xuất bình thường, không có thiệt hại do thiên tai) sẽ giải quyết ra sao?

“Trong bối cảnh này, rõ ràng xuất khẩu nó vẫn là kênh giải quyết đầu ra của người nông dân, tất nhiên nó không phải là 1 kênh tuyệt đối”, ông Hiệp nhấn mạnh và nói rằng nếu “cắt đứt” luôn kênh tiêu thụ 6-7 triệu tấn gạo hàng năm, sẽ là một gánh nặng rất lớn cho ngành lúa gạo.

Việt Nam không thiếu gạo ăn

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khi trao đổi với TBKTSG Online nhấn mạnh: “Gạo Việt Nam đang dư thừa, chứ không hề thiếu, gây bất ổn an ninh lương thực”.

Theo ông Bình, ngưng xuất khẩu gạo, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm ngay lập tức, gây thiệt hại vô cùng lớn cho người nông dân. “Còn ngay trước mắt, các doanh nghiệp đã đóng container, đã đưa hàng hoặc đang vận chuyển lên cảng cũng như việc thực hiện các hợp đồng sẽ bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng”, ông nhấn mạnh và đặt vấn đề ai sẽ gánh chịu trách nhiệm chuyện này?.

Việc cấm xuất khẩu gạo, theo ông Bình, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo giá tốt giống như câu chuyện đã từng xay ra vào thời điểm năm 2008. “Thời điểm đó, Việt Nam mất cả tỉ đô la Mỹ do quyết định dừng xuất khẩu gạo”, ông cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới