Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam có trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam có trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang không?

Lan Nhi

(TBKTSG Online)- Chỉ riêng 50 doanh nghiệp dệt may báo cáo với Bộ Công Thương đã cho thấy năng lực sản xuất khẩu trang đã đạt mức 8 triệu chiếc/ngày, tính ra khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Tuy nhiên, Việt Nam có trở thành “công xưởng” sản xuất khẩu trang hay chỉ là sự đột biến năng lực trong mùa dịch?

Việt Nam có trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang không?
Nhu cầu khẩu trang vải chủ yếu ở Việt Nam và thế giới cần khẩu trang y tế hơn. Ảnh: Thành Hoa

Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.Hiện nay, báo cáo của 50 doanh nghiệp dệt may cho biết, năng lực sản xuất đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là 200 triệu chiếc/tháng. Quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn nhiều.

Năng lực có tiến bộ nhưng chưa đủ tầm

Đó là nói về năng lực sản xuất khẩu trang nói chung, mà chủ yếu là khẩu trang vải. Ban đầu các doanh nghiệp hầu như chỉ sản xuất khẩu trang vải. Nay đã sản xuất khẩu trang 2 lớp, trong đó có 1 lớp là vải kháng khuẩn. Nhiều doanh nghiệp đã sản xuất khẩu trang loại vải 3-4 lớp. Ngoài lớp kháng khuẩn có thêm lớp vải kháng khuẩn, chống giọt bắn.

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang không quá khắt khe. Trước đây doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp như công ty Dệt lụa Nam Định đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Nếu có thị trường, có khách hàng, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể nâng cao hơn. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, nhu cầu và thói quen sử dụng khẩu trang vải không lớn. Khẩu trang mà các quốc gia trên thế giới cần là khẩu trang y tế. Việc sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải ra thế giới còn là một khoảng cách. Cho dù trong mùa đại dịch nhu cầu khẩu trang y tế khan hiếm hơn khẩu trang vải.

Đột biến mang tính thời vụ

Cục Xuất nhập khẩu nhận xét rằng: khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh đi qua, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống, do đây là mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

“Nếu để coi đây là sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang. Nhưng con số này còn rất ít”. Bộ Công Thương nhận định và lưu ý các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ điều kiện nhập khẩu của các quốc gia Châu Âu về khẩu trang y tế để biết được năng lực sản xuất phù hợp. Hiện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tìm kiềm đầu mối để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải cho doanh nghiệp.

Khẩu trang là một nhu cầu thời vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sản xuất mặt hàng này cũng là một giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do tạm dừng các đơn hàng dệt may.

Chính phủ cho phép các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và được phép dành 25% để xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới