Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam củng cố vai trò lãnh đạo trong năng lượng tái tạo – liệu đã đủ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam củng cố vai trò lãnh đạo trong năng lượng tái tạo – liệu đã đủ?

Evan Scandling (1) – Đào Thu Hằng (2) – Alex Perera (3)

(KTSG) – Điện mặt trời hiện chiếm hơn 4% tổng sản lượng điện cả nước và dự kiến sẽ góp trên 9% tổng sản lượng năm 2021. Với nhiều GW điện mặt trời và điện gió được bổ sung thêm, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành nước đi đầu tại Đông Nam Á về năng lượng sạch.

Việt Nam củng cố vai trò lãnh đạo trong năng lượng tái tạo - liệu đã đủ?
Điện mặt trời áp mái phần lớn đến từ doanh nghiệp thương mại và công nghiệp. Ảnh: H.P

Hệ thống năng lượng của Việt Nam đang thay đổi đáng kể trong hai năm qua, nhờ hàng tỉ đô la Mỹ từ nhà đầu tư tư nhân. Tăng từ 20 MW điện mặt trời đầu năm 2019 đến gần 20.000 MW – là một con số chưa từng có.

Tất nhiên, mở rộng quy mô nhanh là cần thiết để Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu – theo Thỏa thuận Paris, giảm thải 27% lượng khí nhà kính vào năm 2030. Thành tựu về năng lượng sạch của Việt Nam đem đến nhiều lợi ích gồm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu, là điểm đến cho đầu tư nước ngoài. Nhiều chuyên gia tin rằng các hành động bảo vệ khí hậu trong thập kỷ này có vai trò thiết yếu để thúc đẩy vị thế chính trị và kinh tế của quốc gia.

Theo đó, Việt Nam nên mừng cho thành công gần đây, nhưng cũng nên thấy rằng còn nhiều điều cần làm nếu muốn cải thiện hơn nữa sức hấp dẫn trên bản đồ chính trị và kinh tế quốc tế – đặc biệt khi ngành năng lượng đang trải qua những thay đổi lớn.

Liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội khổng lồ này để không chỉ đáp ứng mục tiêu về khí hậu mà còn củng cố vị trí về chính trị và kinh tế trên toàn cầu?

Lĩnh vực tư nhân đang thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng sạch – và còn khao khát nhiều hơn nữa

Lĩnh vực tư nhân đóng vai trò không thể thiếu trong bức tranh năng lượng sạch của Việt Nam. Đó là hàng trăm công ty đang đầu tư và phát triển các nhà máy năng lượng tái tạo – thậm chí đầu tư cho đường dây truyền tải và phân phối điện, cùng hàng ngàn doanh nghiệp đang mua điện tái tạo để tiêu thụ trực tiếp.

Trong số hơn 9.300 MW điện mặt trời mái nhà năm 2020, ước tính 85% đến từ doanh nghiệp thương mại và công nghiệp. Điển hình, theo khảo sát hơn 100 công ty của Chương trình Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA(*)), nhu cầu dùng điện sạch của doanh nghiệp lên tới hơn 1.000 MW và họ đang chờ đợi chương trình thí điểm DPPA – Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp được ban hành. Bởi DPPA cho phép các giao dịch mua bán điện mặt trời và điện gió diễn ra trực tiếp giữa bên phát điện với bên dùng điện công nghiệp.

Nhiều công ty cam kết hành động vì khí hậu đang thực hiện nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, đồng thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng và các quỹ tuyên bố sẽ không đầu tư nếu như công ty không có hành động thuyết phục để bảo vệ chính mình và thế giới khỏi các rủi ro khí hậu.

Đó là hơn 1.000 công ty toàn cầu đang đặt ra các mục tiêu giảm phát thải thông qua sáng kiến Mục tiêu khoa học (SBTi), và một ví dụ khác là toàn bộ các ngành thống nhất về mục tiêu giảm carbon trong Hiến chương Liên hiệp quốc Hành động vì khí hậu trong ngành công nghiệp thời trang.

Các công ty có chuỗi cung ứng sâu và rộng ở Việt Nam, như Nike, Walmart, H&M, Apple và IKEA, yêu cầu các nhà sản xuất chuỗi cung ứng của họ có hành động giảm carbon từ quá trình vận hành.

Có thể thấy, các công ty toàn cầu lớn nhất từ nhiều lĩnh vực đang đưa yếu tố giảm phát thải và hành động vì khí hậu vào các quyết định lập kế hoạch và đầu tư. Nếu một quốc gia do dự trong việc giảm carbon trong lưới điện hoặc không quan tâm đến việc mở ra các lựa chọn mua bán năng lượng sạch cho người dùng năng lượng, thì có khả năng cao các công ty lớn sẽ xem xét dịch chuyển hoạt động hoặc chuỗi cung ứng của họ sang một quốc gia khác có nhiều nỗ lực hơn.

Thực tế, một nhóm gồm 29 thương hiệu thời trang và nhà sản xuất gần đây đã gửi thư tới nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh những lợi ích cạnh tranh của các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch và thúc giục triển khai thí điểm DPPA, một chương trình vốn được mong đợi từ lâu bởi các công ty muốn mua điện sạch với số lượng lớn.

“Việc thực thi chương trình thí điểm DPPA sẽ cho phép ngành công nghiệp ở Việt Nam đạt được mục tiêu 100% năng lượng tái tạo trước các nước khác trong khu vực nhiều năm, giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ khi các công ty đưa ra quyết định về nguồn cung cấp sản phẩm”, nhóm đề nghị.

Nhu cầu về điện sạch là rất lớn và cần được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nếu Chính phủ muốn đặt mục tiêu cho Việt Nam trở thành một trung tâm lớn của nhiều ngành công nghiệp.

Thêm lựa chọn, cạnh tranh về chi phí và hợp tác

May mắn thay, Việt Nam không phải là nơi đầu tiên đối mặt với thách thức cải thiện cấu trúc thị trường điện để giải quyết nhu cầu năng lượng sạch. Các nguyên tắc và hướng tiếp cận chính đã được thực hiện hiệu quả tại nhiều thị trường mà Chính phủ và các bên liên quan tại Việt Nam có thể dựa vào để xây dựng, với ba trụ cột chính: thêm lựa chọn (cho người tiêu dùng điện), cạnh tranh về chi phí, và hợp tác.

Lựa chọn

Giống như người tiêu dùng của mọi sản phẩm, người mua điện tìm kiếm cho mình nhiều lựa chọn mua bán. Ví dụ, điện mặt trời mái nhà phù hợp với nhiều doanh nghiệp. Thỏa thuận mua bán điện (PPA), hay chương trình DPPA sắp tới là cần thiết cho các công ty trong nhiều lĩnh vực đang tìm kiếm năng lượng sạch.

Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ cải thiện các  lựa chọn của người tiêu dùng điện bằng việc đảm bảo các chính sách và cơ chế chính sách như PPA, DPPA trở nên thường trực và là nền tảng lâu dài trong quy hoạch phát triển điện quốc gia. Hơn nữa, khi thị trường điện bán lẻ cạnh tranh sắp được khởi động, các lựa chọn cho năng lượng sạch cần được ưu tiên bởi tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan quản lý của Bộ Công Thương.

Cạnh tranh về chi phí

Rõ ràng năng lượng tái tạo ngày càng rẻ hơn so với các nguồn điện truyền thống và thị trường điện Việt Nam cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nguồn điện mới. Điều tích cực là các bước quan trọng đang được thực hiện theo hướng này tại Việt Nam, như cơ chế đấu giá được lên kế hoạch cho năm 2021 và thí điểm DPPA sẽ cho phép người mua điện trong công nghiệp đàm phán trực tiếp với nhà máy phát điện. Điều này cũng sẽ cung cấp cho nhà sản xuất điện và người tiêu dùng nhìn thấy rõ ràng hơn các chi phí như sản xuất và truyền tải điện.

Hợp tác

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, dự kiến hơn 8% mỗi năm trong thập kỷ tới, Việt Nam cần khoảng 130 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện. Việt Nam đã đưa ra nhiều tín hiệu tích cực, gồm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó cho phép tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện, sẽ rất cần thiết cho nhu cầu này.

Tuy nhiên, Việt Nam khó có thể bắt kịp với nhu cầu đó nếu thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và tư nhân. Điều này đúng đối với các nhà đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cả người tiêu dùng, đặc biệt là các công ty tiêu thụ điện lớn tại Việt Nam, các đơn vị có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và có khả năng chi trả cho năng lượng sạch.

Khi người tiêu dùng điện có thêm nhiều cơ hội lựa chọn năng lượng sạch với các tiếp cận thuận tiện, giá hợp lý – và Chính phủ tạo ra một môi trường thị trường minh bạch, cạnh tranh – Việt Nam sẽ đến lúc giữ vị trí dẫn đầu về năng lượng sạch và hành động vì khí hậu trong khu vực, đồng thời củng cố vị thế ảnh hưởng của quốc gia trong nhiều năm tới.

(1 ) Evan Scandling là Giám đốc của Allotrope Partners và là đồng lãnh đạo Chương trình thúc  đẩy đầu tư năng lượng sạch Việt Nam (CEIA Việt Nam).

(2)  Tiến sĩ Đào Thu Hằng là chuyên gia năng lượng bền vững của Viện Tài nguyên thế giới và đồng lãnh đạo CEIA Việt Nam.

(3)  Alex Perera là Phó giám đốc Chương trình Năng lượng toàn cầu của Viện Tài Nguyên thế giới và là đồng lãnh đạo CEIA toàn cầu.

(*) Chương trình Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA) là một sáng kiến đa quốc gia kéo dài nhiều năm do Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL), Viện Tài nguyên thế giới (WRI), và Allotrope  Partners đồng sáng lập và thực hiện, hoạt động thông qua hợp tác công – tư thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch tại các thị trường mới nổi trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới