Việt Nam đã đầu tư hơn 700 triệu đô la tại châu Phi
![]() |
Đoàn quan chức Benin (Tây Phi) đến TPHCM để xúc tiến đầu tư và thương mại vào tháng 9-2011. Ảnh: Thu Nguyệt |
(TBKTSG Online) – Từ năm 2002 đến tháng 8-2012, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam sang châu Phi đã đạt 711 triệu đô la Mỹ, và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào thị trường này.
>>> Bidrico tìm cơ hội kinh doanh ở Bénin
Theo Vụ châu Phi và Tây Á Nam Á (Bộ Công Thương), tính đến tháng 8-2012, Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Phi, với tổng vốn đầu tư đạt 711 triệu đô la Mỹ.
Nếu như trước đây chỉ có Tập đoàn dầu khí Việt Nam đầu tư tại Angiêri trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí thì hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường châu Phi với các lĩnh vực đầu tư đa dạng.
Hiện lĩnh vực dầu khí chiếm tỉ trọng cao nhất về vốn đầu tư với các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại Angiêri (224,9 triệu đô la Mỹ), Madagascar (117,3 triệu đô la Mỹ) và tại Cộng hòa Congo (15,3 triệu đô la Mỹ). Ba dự án này chiếm tới 50% tổng số vốn đầu tư của Việt Nam sang châu Phi và do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thuộc Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư.
Tiếp đến là dự án hợp tác đầu tư mạng điện thoại di động tại Cộng hòa Mozambique của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel với tổng số vốn 493,79 triệu đô la Mỹ, trong đó Viettel đóng góp 345,6 triệu đô la Mỹ. Đây là dự án đầu tư đầu tiên của Viettel tại châu Phi.
Angola thu hút được sáu dự án đầu tư của Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử, điện lạnh, đồ uống đóng chai, với tổng giá trị 4,53 triệu đô la Mỹ. Các doanh nghiệp đầu tư chính sang Angola là Công ty TNHH T&T, Công ty TNHH thương mại Thành Đô, Công ty TNHH Hữu nghị Quốc tế.
Tại Nam Phi, Việt Nam có hai dự án, trong đó một của Công ty cổ phần Thiên Minh Đức đầu tư trong lĩnh vực trồng cây xanh và phát triển du lịch sinh thái với tổng số vốn 715.000 đô la Mỹ và một dự án của Công ty cổ phần XNK Việt Trang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sơ chế gỗ xuất khẩu và kinh doanh siêu thị với số vốn 950.000 đô la Mỹ.
Tại Ghana, Việt Nam có một dự án khai thác mỏ đá, sản xuất và kinh doanh đá granite làm vật liệu xây dựng với chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Bình Hưng Thịnh.
Tại Tanzania, Công ty TNHH Cơ khí An Việt Cường và Công ty TNHH Thương mại Thiên Phú có chung một dự án cung cấp dịch vụ khai thác vàng, cho thuê máy móc, thiết bị, công nghệ với số vốn đầu tư 300.000 đô la Mỹ.
Tại Cameroon, Việt Nam có một dự án liên doanh khai thác và chế biến gỗ, vàng và khoáng sản với tổng số vốn 905.714 đô la Mỹ, trong đó công ty Việt Nam đóng góp 443.800 đô la Mỹ.
Tại Mauritius, Công ty TNHH Hóa dược Vedic Fanxipăng đã đầu tư một dự án thu mua và kinh doanh các sản phẩm từ cây Artemisia Annua với số vốn 20.000 đô la Mỹ.
Đã có bảy quốc gia châu Phi đầu tư vào Việt Nam là Seychelles, Maroc, Nigeria, Mauritius, Ai Cập, Kenya và Siera Leon, với 37 dự án, với tổng số vốn đạt 67,76 triệu đô la Mỹ, trong các lĩnh vực đầu tư chính gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú và tư vấn. |
(Nguồn: Vụ châu Phi và Tây Á Nam Á)