Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam đang dẫn đầu nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, đang dẫn đầu nhóm các quốc gia phát triển công nghệ số cho ngành ngân hàng.

Thông tin này được các chuyên gia và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nêu tại toạ đàm về chuyển đổi số ngành ngân hàng chiều 28-9.

Ứng dụng robot tại quầy giao dịch của ngân hàng SHB. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 là minh chứng lớn cho chuyển đổi số ngành ngân hàng khi người dân có thể giao dịch thanh toán mua hàng hóa trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng trong giai đoạn này cũng phần nào thể hiện thành quả của quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, một số ngân hàng thực hiện ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh sớm như VPBank, Techcombank, MB, HDBank đều có chỉ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong khoảng 40-50%, góp phần nâng tỷ lệ lợi nhuận của ngân hàng.

TS Phạm Xuân Hoè, chuyên gia kinh tế, cho biết hiện 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Phúc Dương, Phó giám đốc Khối Công nghệ thông tin và Ngân hàng điện tử thuộc HDBank – 1 trong 4 ngân hàng đầu tiên triển khai thí điểm định danh khách hàng trực tuyến – cho biết ngân hàng đang dần nâng cấp công nghệ để giao tiếp với khách hàng qua video call. Ngân hàng cũng đẩy mạnh ứng dụng robot tự động hoá các quy trình vận hành để tiết kiệm chi phí và tăng thời gian xử lý các hoạt động của ngân hàng.

Bên cạnh đó là động thái hợp tác với một số doanh nghiệp như Petrolimex để triển khai hơn 5.000 POS tại các điểm giao dịch của Petrolimex, giúp người dân đổ xăng mà không cần dùng tiền mặt.

Với giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, ông Dương cho biết ngân hàng đã triển khai các kênh hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp có thể mở tài khoản trực tuyến, giải ngân trực tuyến, phát hành L/C trực tuyến.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán thuộc NHNN, cho biết có 95% số ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, gồm: điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Ngoài ra, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỉ đồng cho chuyển đổi số và đã thu được những thành quả rất tích cực khi Việt Nam là một trong những quốc ứng dụng ngân hàng số hàng đầu với tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn, theo ông Dũng.

Với những cơ sở này, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.

Bên cạnh những kết quả, TS Phạm Xuân Hoè cho biết việc chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện đối mặt với không ít rào cản. Theo đó rào cản lớn nhất là hành lang pháp lý còn thiếu và không đồng bộ.

Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi kịp thời. Ngoài ra, Luật Kế toán cũng tạo ra những vướn mắc cho ngân hàng khi việc “xác định dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành cũng đã khó khăn rồi”, theo ông Hoè.

Bên cạnh đó là những vướng mắc về chữ ký số, chia sẻ dữ liệu dân cư để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng.

Vướng mắc thứ hai là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn.

Vướng mắc thứ ba rất là thiếu hụt nguồn nhân lực làm việc trong môi trường. “Những người không hiểu về số, không hiểu về công nghệ thông tin, bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ vi phạm. Không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm”, ông Hoè phân tích.

Vướng mắc thứ tư, theo ông Hoè, là ngân hàng luôn bị các loại tội phạm tấn công, đối mặt với rủi ro bị mất tiền.

Vướng mắc thứ năm là mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Điều này thể hiện qua việc khách hàng chủ quan, sẵn sàng cho mượn tài khoản, thậm chí cho người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch.

Để thực hiện mục tiêu 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa và 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số vào năm 2025, ông Lê Anh Dũng cho biết ngành ngân hàng sẽ tập trung vào ba trụ cột.

Thứ nhất, chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử. Theo đó, ngành ngân hàng đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ khu vực phục vụ khách hàng. Ngoài ra, thực hiện số hoá dữ liệu.

“Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử”, ông Dũng nói.

Thứ hai, phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.

Thứ ba, nâng cao tính an toàn trong dịch vụ qua việc cung cấp thông tin, kiến thức, giáo dục kỹ năng an toàn tài chính cho khách hàng.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới