Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam: điểm đầu tư chiến lược của Samsung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam: điểm đầu tư chiến lược của Samsung

Một dây chuyền sản xuất của Samsung Vina. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Tập đoàn Sony đã quyết định đóng cửa nhà máy lắp ráp hàng điện tử duy nhất của mình ở Việt Nam và sắp tới có thể sẽ có thêm một số doanh nghiệp khác cũng nối gót Sony ra đi.

Trong khi đó, một tập đoàn điện tử khác là Samsung lại quyết định ngược lại. Ngoài nhà máy sản xuất ở TPHCM, Samsung còn đầu tư thêm 670 triệu đô la Mỹ để xây dựng ở tỉnh Bắc Ninh một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, với công suất dự kiến 120 triệu sản phẩm mỗi năm.

Ông Je Hyoung Park, Tổng giám đốc Samsung Vina, cho biết: “Tại Samsung, chúng tôi đã có định hướng rõ ràng và coi Việt Nam là một điểm đầu tư chiến lược. Các chuyên gia của Samsung đã có sự xem xét, đánh giá trên phạm vi toàn cầu và nhận thấy Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, nên đã đưa ra quyết định chiến lược xây dựng nhà máy ở đây”.

Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 4-2009 với sản lượng trong năm đầu tiên là 30 triệu sản phẩm. Đến năm 2012, nhà máy này sẽ cung cấp cho thị trường thế giới 10 triệu chiếc điện thoại mỗi tháng và thu hút hơn 25.000 lao động.

Theo ông Je Hyoung Park, đến thời điểm đó, cơ sở sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh sẽ có năng lực sản xuất tương đương các nhà máy của tập đoàn này tại Hàn Quốc và Trung Quốc, với doanh số dự kiến trên 12 tỉ đô la Mỹ/năm.

Quyết định chọn Việt Nam làm điểm đầu tư chiến lược của Samsung phần nào bắt nguồn từ sự thành công của Samsung Vina.

Bắt đầu hoạt động từ năm 1994, với thị phần gần như bằng không, đến nay Samsung Vina đã trở thành công ty điện tử hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 36,7% thị phần ti vi LCD và 26% đối với ti vi đèn hình, 19% thị phần điện thoại di động (nguồn: GfK, tính đến tháng 6-2008). Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng khác của công ty như tủ lạnh 2 cửa “side by side”, màn hình máy tính, máy in, ổ đĩa cứng và đĩa quang… cũng chiếm một trong hai vị trí đầu trên thị trường.

Năm 2007, doanh thu của Samsung Vina đạt gần 400 triệu đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu 88 triệu đô la Mỹ. Samsung Vina đang đặt mục tiêu đạt doanh số một tỉ đô la Mỹ vào năm 2010.

Ông Je Hyoung Park cho biết, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga, Việt Nam là thị trường mới nổi mà các nhà đầu tư nước ngoài không thể không chú ý. Dù dân số không bằng Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil, nhưng với gần 85 triệu dân cộng với nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng nhanh, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng để Samsung đưa ra quyết định đầu tư. Với vị trí gần Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, và cách không xa Ấn Độ, lại có giao thông thuận lợi về đường biển, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất sản phẩm để cung cấp cho khu vực châu Á.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng điều đó cũng không làm giảm vai trò của Việt Nam trong chiến lược phát triển của Samsung ở khu vực châu Á. Ông Je Hyoung Park nói: “Ngoài Samsung Electronics, nhiều công ty khác thuộc tập đoàn Samsung cũng đang đến Việt Nam để xem xét và rất có thể họ cũng sẽ quyết định đầu tư những dự án lớn tại đây”.

Không riêng Samsung, nhiều tập đoàn điện tử khác như Canon, Panasonic, Intel, Foxcon… cũng đã chọn Việt Nam để xây dựng trung tâm sản xuất và cung ứng sản phẩm cho thị trường thế giới.

Việc xóa bỏ chính sách bảo hộ đối với hàng điện tử để hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới có thể khiến Việt Nam mất đi một số cơ sở lắp ráp nhỏ, nhưng lại thu hút được hàng loạt những dự án đầu tư lớn. Đây là cơ hội tốt cho ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phát triển, điều mà Việt Nam đã không làm được trong gần 15 năm thực hiện chính sách bảo hộ vừa qua.

Ông Je Hyoung Park cho rằng, trong thời kỳ toàn cầu hóa với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, tốc độ, chi phí và chất lượng của linh kiện, phụ kiện đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của sản phẩm. Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận những quy tắc về tự do thương mại, đầu tư của tổ chức này, linh kiện sản xuất ở quốc gia này có thể lưu chuyển đến quốc gia khác thuận lợi hơn và nơi nào có môi trường đầu tư tốt, chi phí hấp dẫn, thì nơi đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Khi quyết định chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động, Samsung đồng thời cũng kêu gọi các doanh nghiệp vệ tinh đến đầu tư sản xuất linh kiện để đáp ứng cho nhu cầu của mình.

Ông Je Hyoung Park cho rằng các tập đoàn khác như Intel, Foxcon, Canon… cũng làm như vậy, vì đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có chi phí thấp. Chính vì thế, ông tin chắc ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Ông nói thêm: “Nếu Chính phủ có thêm những chính sách cần thiết để hỗ trợ cho ngành này, thì Việt Nam sẽ sớm có ngành công nghiệp điện tử mạnh”.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới