Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam đuổi theo làn sóng thanh toán di động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam đuổi theo làn sóng thanh toán di động

Minh Anh

(TBVTSG) – Cuộc hội thảo với chủ đề “Thanh toán di động – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt” được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 11 tại Hà Nội không chỉ phác họa xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu mà còn đưa ra những lời dự báo về mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng ở Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu, trong đó ông nhận định rằng thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam. Sự kiện diễn ra vào ngày 6-11 do báo điện tử Vnexpress và Napas (Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Một xu hướng mang tính toàn cầu

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, thanh toán di động (Mobile  Payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người có thu nhập thấp. Sự xuất hiện của giải pháp này đã giúp cộng đồng người có thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động…

Các số liệu thống kê được đưa ra tại cuộc hội thảo cho thấy sau 10 năm mô hình thanh toán này phát triển,  tính đến tháng 12-2016, trên toàn thế giới đã có 556 triệu lượt người đăng ký tài khoản dịch vụ thanh toán di động, trong đó 79,4% đến từ những khu vực đang phát triển, như khu vực châu Phi cận Sahara (277,4 triệu), Nam Á (164,2 triệu)… Ở một khía cạnh nhất định, những khu vực này đã vượt qua các khu vực phát triển như Bắc Mỹ (44,1 triệu tài khoản), châu Âu (10,4 triệu tài khoản). Riêng tháng 12-2016, hơn 22 tỉ đô la Mỹ đã được giao dịch qua hệ thống này với 43 triệu lượt giao dịch mỗi ngày.

Tại một số nước châu Phi, phần lớn trong số người sử dụng phương thức thanh toán di động là những người thu nhập thấp theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB). Ở châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ, thanh toán di động cũng đang bùng nổ ở cả thành thị lẫn nông thôn, làm thay đổi cách thức kinh doanh, thúc đẩy thương mại điện tử và phát sinh ra những mô hình kinh doanh mới.

“Thanh toán qua điện thoại di động thực sự là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện (Financial Inclusion), được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu. Và đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng chung khi trong vài năm qua, dịch vụ Bankplus của một mạng viễn thông ở Việt Nam đã có 3,5 triệu người sử dụng và các điểm giao dịch ở 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Hiện nay, Việt Nam có 140 khách thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu khách thuê bao mạng 3G và 4G, công nghệ 4G đã phủ sóng 99% số quận huyện trên toàn quốc. Số khách thuê bao di động băng thông rộng dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Ông Huệ cho rằng đây là những điều kiện để thúc đẩy hoạt động thanh toán di động cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt như hiện tại.

Sức ép cho Việt Nam

Bên cạnh những mặt thuận lợi và tính tiện ích, thanh toán điện tử sẽ tạo ra những sự thách thức nhất định liên quan đến khuôn khổ pháp lý, tính an toàn trong giao dịch, vấn đề bảo mật thông tin, giao dịch xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao và chủ quyền số quốc gia.

“Những điều thách thức cần được giải quyết bằng các giải pháp sáng tạo, thông qua việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và cần có sự chung tay, hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”, Phó thủ tướng nhìn nhận.

Tuy nhiên, nhìn vào những lợi ích mà các dịch vụ mới có thể mang lại cho đại bộ phận người dân, Việt Nam đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy việc thanh toán không sử dụng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Cụ thể, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, mà thanh toán di động sẽ là một phần để thực hiện chiến lược này.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo sự thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam thông qua việc thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp; thúc đẩy việc cập nhật công nghệ, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo sự thuận lợi, quảng bá cho mô hình thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung; phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để bảo đảm sao cho lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.

“Thế giới ngày nay là của công nghệ và sự sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết về điều đó”, ông Huệ nói.

Ông cũng đề cập đến hai yêu cầu về tốc độ và tính phổ cập của thanh toán di động, đặc biệt trong bối cảnh Internet và điện thoại di động đã trở nên phổ biến. “Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp có khát vọng và tính sáng tạo sẽ làm được điều này”, ông nói thêm.

“Chính phủ muốn truyền đi một thông điệp tới các nhà quản lý, tới cộng đồng doanh nghiệp và tới người dân rằng: Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn và với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp, chúng ta hãy làm cho thanh toán di động nói riêng và thanh toán điện tử nói chung trở nên phổ cập với mọi người dân Việt Nam trong thời gian ngắn nhất có thể”.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đưa ra lời đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hợp tác với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức.

Hiểu thị trường, hiểu người sử dụng

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8-2017. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) giai đoạn 2017- 2020, mục tiêu là đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị này…

Phó thống đốc cũng cho biết, thanh toán di động là một xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu của nền công nghiệp 4.0, hướng đến việc xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), mã QR, thanh toán qua thiết bị di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các công ty công nghệ tài chính hoạt động … Đồng thời, nhà quản lý sẽ tăng cường hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho việc thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Phó thống đốc cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng đến các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt tại những nơi này.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với tỉ phú Jack Ma, thành viên sáng lập và là Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba – doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc về thanh toán điện tử. Vị tỉ phú công nghệ đã đánh giá Việt Nam là một thị trường thuận lợi để phát triển tốt việc thanh toán điện tử khi có dân số trẻ và lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo.

Trong chuyến sang Việt Nam dự diễn đàn, ông đã có các cuộc nói chuyện truyền cảm hứng tới giới trẻ để tận dụng các cơ hội khởi nghiệp đến từ mô hình thanh toán điện tử.

Phó thủ tướng mong muốn Alibaba chia sẻ các kinh nghiệm quản lý và kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có thanh toán di động, cho các bộ, ngành và doanh nghiệp của Việt Nam; mở gian hàng của Việt Nam trên Alibaba.

Ông Huệ cho rằng, thanh toán điện tử mang lại lợi ích tổng thể cho xã hội nhưng cần phải làm rõ lợi ích dành cho các ngân hàng, các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực này. Với Việt Nam, các ngân hàng sống dựa chủ yếu vào tín dụng, còn lợi nhuận từ phi tín dụng thì rất hạn chế nên sẽ có không ít xung đột giữa ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

“Đôi khi chủ thể nào đó tham gia hệ sinh thái này mà còn nghĩ tới cái tôi thì khó mà tạo ra được sự bùng nổ thanh toán điện tử”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết hạ tầng chưa đồng bộ sẽ cản trở thanh toán điện tử.

“Mạng lưới viễn thông đã phủ rộng khắp cả nước. 53% dân số sử dụng  Internet và hơn 120 triệu chiếc điện thoại di động. Nhưng nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng nên đây là điều thách thức cho thanh toán di động”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, với những lợi ích mà thanh toán di động mang lại, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng này tại Việt Nam bằng các chính sách toàn diện về pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp công nghệ, đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng cường quảng bá, truyền thông để giúp mọi chủ thể hiểu được các tiện ích thiết thực mang lại cho hệ sinh thái thanh toán di động.

“Để hệ sinh thái này được hoàn thiện cho thanh toán di động thì cần có thời gian. Nhưng cái gì cần thử nghiệm, thí điểm trước thì Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành đề xuất và Chính phủ sẽ xem xét trên tinh thần rất tích cực để có bước đi phù hợp, tạo dựng hệ thống đồng bộ cho các bên sử dụng”, Phó thủ tướng khẳng định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới