Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Bất chấp  những khó khăn của đại dịch Covid 19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương. Tỷ lệ xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại .

Việt Nam duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục năm 2020, bất chấp khó khăn khiến cho cán cân thương mại của nước ta 5 năm nay đều xuất siêu Ảnh:TL

Bộ Công Thương cho biết hoạt động thương mại toàn cầu – gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI toàn cầu cũng đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Mức cầu trên thị trường thế giới tiếp tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Chỉ số tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm nay đã giảm kỷ lục còn 87,6 điểm, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được WTO đưa ra vào tháng 7-2016.

Việt Nam với độ mở cửa nền kinh tế là 200% GDP, được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Vì vậy, nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm trước tác động của đại dịch Covid-19, đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ đầu quý 2-2020.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Khi dịch Covid-19 mới khởi phát ở Trung Quốc, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất Bộ Y tế xây dựng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên rà soát, bám sát thực tiễn, thông qua các kênh ngoại giao, thương vụ… để liên hệ mở rộng thị trường, tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung linh phụ kiện để đảm bảo cho sản xuất trong nước, tăng trưởng xuất khẩu. Chính vì thế năm 2020 qua đi với vô vàn khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí có những thời điểm nền kinh tế đối mặt với nguy hiểm chưa từng có, nhưng, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu đáng kích lệ.

Kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại toàn cầu, xuất siêu tiếp tục được duy trì. Theo số liệu ước liên Bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỉ đô la, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỉ đô la, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.

Việc phục hồi hoạt động sản xuất sớm đã mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách đến công tác tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp.

Trong năm 2020, có sáu mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ đô la và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên1 tỉ đô la. Xuất khẩu tăng khá đến từ sự tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu mới, bù đắp cho sụt giảm của các mặt hàng truyền thống, có thể kể đến như: mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng (ước đạt 2,89 tỉ đô, tăng 48,7% so với năm 2019); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (ước đạt 2,49 tỉ đô, tăng 47,6%)…

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng mạnh còn gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 26,74 tỉ đô (tăng 46,1%); gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,3 tỉ đô (tăng 15,7%); máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 44,3 tỉ đô (tăng 23,2%).

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc… Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỉ đô la, 8 thị trường trên 5 tỉ đô la.

Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới