Thứ Tư, 29/03/2023, 03:39
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Việt Nam kém hấp dẫn do vấn đề lao động, tỷ giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam kém hấp dẫn do vấn đề lao động, tỷ giá

Thu Nguyệt

Doanh nghiệp Hàn Quốc gặp gỡ quan chức TPHCM hôm 22-12. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Trong năm tới đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng, nhưng do bất ổn về tỷ giá và việc tăng lương nhiều lần của Việt Nam, các nhà đầu tư từ nước này sẽ có xu hướng chuyển sang các nước ổn định hơn về tỷ giá như Indonesia.

Ý kiến trên được ông Choong-Shik Kang, Chủ tịch Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM (Kocham), đưa ra sau hội nghị bàn tròn giữa Ủy ban nhân dân TPHCM và Kocham hôm 22-12.

Theo ông Choong-Shik Kang, sự biến động mạnh của tỷ giá tiền đồng – đô la Mỹ và việc tăng lương của Việt Nam đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại đây.

“Không phải doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ chuyển từ Việt Nam sang Indonesia, mà những doanh nghiệp mới họ sẽ cân nhắc có nên qua Việt Nam không hay qua Indonesia”, ông Choong-Shik Kang cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết.

Tại hội nghị trên, đại diện cho 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM đã gặp gỡ quan chức các sở ban ngành của TPHCM để phản ánh những khó khăn và vướng mắt trong quá trình hoạt động. Trong đó, các vấn đề liên quan đến lao động được phản ảnh nhiều nhất.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết đang gặp khó khăn do tình trạng thiếu lao động trong ngành sản xuất. Ngoài ra, người lao động có xu hướng đòi tăng lương do tình trạng thiếu nhân lực và kỹ thuật viên có tay nghề.

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động tiền lương tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, thực tế tại thành phố đang có sự chuyển dịch lao động sang ngành thương mại, dịch vụ. Do đó, trong những ngành sản xuất gia công, đặc biệt dệt may, da giày, xảy ra tình trạng khó tuyển lao động.

“Tuy nhiên cũng nhận thấy doanh nghiệp tuyển dụng chưa được là do chính sách thu hút lao động của họ, đặc biệt là do tiền lương không cao”, bà Dân nói.

“Một số doanh nghiệp đã có chính sách thu hút lao động, ví dụ trả lương dựa trên giá cả thị trường, và có một số chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đi lại. Những doanh nghiệp này tuyển được lao động”.

Bên cạnh các thắc mắc về lao động, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kêu về việc một số ngân hàng thương mại gian lận bằng cách áp dụng mức tỷ giá chợ đen khi bán đô la cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô để phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng thủ tục hành chính rườm rà và kéo dài, có nhiều thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài 60 ngày, hay có doanh nghiệp từ tháng 2-2010 đến nay vẫn chưa được Sở Tài chính TPHCM định giá xong để thực hiện việc sáp nhập của doanh nghiệp. Sự rối rắm trong thủ tục gây mất thời gian, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc phải đưa tiền lót tay cho cán bộ hải quan và thuế.

Hiện có 2.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó khu vực phía Nam có 1.600 doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong năm 2010, tại TPHCM có 62 vụ đình công, trong đó có 21 trường hợp xảy ra tại doanh nghiệp Hàn Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới