Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn, mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn, mặn

Thùy Dung

Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn, mặn
Bộ trưởng Phát và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ điều hành hội thảo – Ảnh: TDung

(TBKTSG Online) – Đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Nhiều nơi cả năm không có mưa, tình trạng xâm nhập mặn tăng gấp đôi so với trung bình nhiều năm. Tình trạng này đã khiến đợt hạn hán, xâm nhập mặn đã vượt quá khả năng chống đỡ của Việt Nam và cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày hôm nay 15-3, tại Hà Nội.

Hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử

Tại Hội thảo, đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã trình bày báo cáo về những tác động nghiêm trọng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua đối với Việt Nam mà ông phải dùng từ “nghiêm trọng nhất trong lịch sử” rất nhiều lần.

“Hiện nay, thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tình hình là rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nữa trong những tháng tới”.

Lượng nước từ sông Mê Kông chảy về Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của thế giới, nơi tập trung sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, trái cây, thủy sản của Việt Nam, đã giảm khoảng 50%. Nơi đây cũng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn sâu trong đất liền, có nhiều nơi đã vào từ 70-90 km, trung bình sâu hơn so với nhiều năm từ 15-20 km, thậm chí gấp đôi.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là đỉnh của đợt hạn hán, xâm nhập mặn. Theo dự báo, đỉnh điểm của hiện tượng El Nino có thể vào tháng 4 và còn kéo dài tới tháng 6. “Nếu như vậy, gần một nửa diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Phát nói.

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, đã có hơn 160.000 héc ta lúa bị thiệt hại, phần lớn là mất trắng. Mỗi héc ta bình quân 5 tấn, tức có 800.000 tấn lúa đã mất trắng, ảnh hưởng tới sinh kế của khoảng 1,5 triệu người. Trong thời gian tới, một số diện tích nữa tiếp tục bị ảnh hưởng do không có nước ngọt dẫn tới diện tích lúa bị khô héo và giảm năng suất.

Không những vậy, không có nước ngọt thì cũng không thể xuống giống vụ hè thu nên sẽ có khoảng 500.000 héc ta không thể xuống giống đúng vụ, chiếm một phần ba diện tích lúa của Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nhiều nơi, nước mặn bao vây khiến cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, đàn gia súc không có thức ăn, nông dân bán vội sản phẩm và thất thu. Với thủy sản, độ mặn cao cũng khiến nhiều vùng nuôi ngao bị chết, tôm cũng không thể lớn nên phải thay đổi thời vụ và phương thức canh tác”, Bộ trưởng Phát nói.

Bên cạnh đó, thiệt hại đối với người dân không chỉ mất thu nhập, mà còn có khoảng 1 triệu người không có nước ngọt để sinh hoạt.

“Chúng ta ở Hà Nội chỉ trả 5.000 đồng/m3 nước nhưng ở Bến Tre họ phải mua tới 60.000 đến 80.000 đồng/m3 nước, thậm chí 100.000 đồng/m3 nước. Nhiều nhà máy, trường học, bệnh viện, khách sạn không có nước ngọt phải mua nước, thậm chí phải dùng nước có độ mặn loãng hơn”, Bộ trưởng Phát nói và ví von: “Chúng ta không nhất thiết phải ra Vũng Tàu tắm biển nữa mà có thể cảm thấy độ mặn ngay ở Bến Tre, nơi cách biển 70 km”.

Theo Bộ NNPTNT, ở miền Trung, Nam Trung Bộ, ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa là những tỉnh chịu ảnh hưởng nhất. Ninh Thuận đã bị hạn hai năm nay, các hồ chứa chỉ còn 30% dung tích có nước. Ở Khánh Hòa lưu lượng nước chỉ bằng 10% so với trung bình nhiều năm, tức giảm tới 90%.

Vì vậy, ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần Khánh Hòa có 23.000 héc ta không thể gieo cấy khiến 250.000 người dân không có thu nhập. Ở Ninh Thuận có nơi đây là vụ thứ 4, thứ 5 phải ngừng gieo cấy. Tình hình còn nghiêm trọng hơn vì dự báo nhiều nơi phải tháng 6 mới có mưa, nhiều nơi có thể tới tháng 9.

Ở Tây Nguyên, nhiều diện tích cà phê chết và bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà phải mất 3 tới 4 năm nữa mới có thể khôi phục được.

Vượt tầm kiểm soát

Từ tháng 10-2015, Chính phủ Việt Nam đã chi 700 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh thực hiện các biện pháp khẩn như xây dựng đập tạm ngăn mặn giữ nước ngọt, xây dựng trạm bơm, hệ thống cấp nước sinh hoạt; chở nước tới cho người dân; đẩy nhanh tiến độ thi công một loạt công trình thủy lợi; người nào thiếu lương thực sẽ cấp mỗi người 15 kg gạo/tháng miễn phí.

Theo Bộ NNPTNT, hiện tượng thời tiết vừa qua là sự kết hợp giữa El Nino và biến đổi khí hậu. Tình hình sẽ diễn biến nặng nề hơn và sẽ còn lặp lại gay gắt hơn trong tương lai. Vì vậy, Bộ còn thực hiện các biện pháp trung hạn và dài hạn như điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi hoặc ngành nghề phi nông nghiệp; xây dựng công trình ngăn mặn tích nước ngọt về lâu dài.

“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được nhưng tình hình là rất nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Phát nói.

Tham gia đóng góp ý kiến trong hội thảo, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật như cung cấp giống lúa có thể chịu hạn, mặn; hỗ trợ quan trắc, dự báo sớm hiện tượng thời tiết; kết hợp với kiểm soát dịch bệnh với người và gia súc; hỗ trợ kỹ thuật để giảm thiểu tác hại tới sức khỏe của người dân vùng chịu ảnh hưởng…

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hiệp quốc, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho hay sau El Nino sẽ là La Nina gây mưa và lũ lớn, do đó trong thời gian tới, hiện tượng thời tiết sẽ còn cực đoan và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn hiện nay. Bà Pratibha Mehta cũng cho hay, các tổ chức quốc tế sẽ nhóm họp để tìm giải pháp hỗ trợ trước mắt, tức cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, sẽ tìm các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam có thể ứng phó và thích nghi với những hiện tượng thời tiết cực đoan trong trung và dài hạn.

Đọc thêm:

Cần 34.000 tỉ đồng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới