Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài dấn thân và sẵn sàng thay đổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài dấn thân và sẵn sàng thay đổi

Nguyễn Hương Giang(*)

(TBKTSG Online) – Mỗi cuộc khủng hoảng đều mang đến cơ hội của sự thay đổi. Trong “nguy có cơ”, Covid-19 cũng có thể được xem là thời điểm để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh chiến lược thông minh hóa công nghiệp, nhất là giai đoạn hậu Covid-19.

Nhanh chóng khôi phục và gia tăng niềm tin xã hội trong mùa dịch

Lựa chọn lộ trình hồi phục 'khôn ngoan' cho nền kinh tế

Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài dấn thân và sẵn sàng thay đổi
Covid-19 có thể xem là cơ hội để các nước thay đổi, đẩy mạnh thông minh hóa công nghiệp. Ảnh minh họa Quốc Hùng.

Thông minh hóa công nghiệp (Smart Industry) là quá trình chuyển đổi công nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (CMCN 4.0), trong đó các hệ thống sản xuất hợp tác và tích hợp đầy đủ, đáp ứng nhu cầu và điều kiện thay đổi của nhà máy thông minh, mạng lưới cung ứng và khách hàng.

Các chính phủ trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của quá trình này với các hành động và sáng kiến tích cực, bao gồm nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ và miễn giảm thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện.

Trong bối cảnh hiện nay, tác động của dịch bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu đã đẩy các quốc gia vào một thử thách chưa từng có trong hàng thập kỷ qua.

Đây có thể chính là cơ hội để các doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế, suy nghĩ và đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu nguồn lực, thay thế cách thức phân phối nguồn tài nguyên kém hiệu quả, thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tích hợp khoa học công nghệ, đưa ra các giải pháp đổi mới – sáng tạo, ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 để tăng hiệu quả hoạt động trong dài hạn.

Covid-19 thúc đẩy quá trình thông minh hóa công nghiệp

Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0. Ảnh minh họa Văn Nam

“Sự hủy diệt một cách sáng tạo” (creative destruction) lần đầu tiên được nhắc đến bởi nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter vào năm 1939. Thuật ngữ này lý giải những đổi mới trong qui trình sản xuất làm tăng năng suất và hữu ích đối với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Một hệ thống sẽ có khả năng cải thiện nghịch cảnh, cải tiến máy móc, thiết bị, quy trình sản xuất và thay thế, loại bỏ hoàn toàn các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu trong môi trường biến động mạnh và chịu các cú sốc tiêu cực.

Những tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho thấy các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong phát triển đến từ: sự phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển và toàn cầu hoá; sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đưa đến thay đổi cơ bản trong thói quen sản xuất, tiêu dùng và các tương tác xã hội; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường sống.

Thiếu một sự tự chủ trong nền tảng kinh tế, hạn chế của các ngành công nghiệp nền tảng, và năng lực sáng tạo để thích ứng với những thay đổi sẽ là những rào cản cho phát triển trước mắt và xây dựng năng lực cạnh tranh lâu dài. Đây chính là lúc các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu cần suy nghĩ về “sự hủy diệt một cách sáng tạo”.

Như đã nói “trong nguy có cơ”, dưới những tác động của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu, và với nguồn lực hạn chế, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh thông minh hóa công nghiệp hậu Covid-19 dựa trên một số đề xuất, trong khuôn khổ bài viết:

Đẩy mạnh và tăng chi cho nghiên cứu và phát triển

Cần khuyến khích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đẩy mạnh và tăng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo Gustavo Manso và cộng sự (2019), trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp “khai thác sáng tạo” – sáng tạo dựa trên việc tận dụng, phát triển từ những phát minh, sáng chế đã có sẵn. Trong khi đó, giai đoạn khủng hoảng thì các doanh nghiệp “thăm dò sáng tạo” – sáng tạo sẽ gắn liền với việc khám phá các ý tưởng hoặc khái niệm mới.

Từ đó, ngụ ý rằng, các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ngay trong thời kỳ tăng trưởng, chứ không cần chờ đến thời kỳ khủng hoảng, để tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Đầu tư mạnh cho khu vực kinh tế số

 Cần đầu tư mạnh cho khu vực kinh tế số, đặc biệt đầu tư vào các nền tảng số công  (state platforms), cung cấp các công cụ để người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận thông tin về những chuyển đổi công nghệ.

Giảm chi phí tiếp cận thông tin công nghệ kết hợp với những chỉ dẫn cụ thể và tin cậy về việc ứng dụng các công nghệ đó vào sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện tối đa hệ sinh thái kỹ thuật số nhưng phải gắn liền với quản lý bảo mật kỹ thuật số.

Phát triển bền vững

Khuyến khích các ngành công nghiệp liên quan đến phát triển bền vững, giảm và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua công nghệ như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… Các hoạt động sản xuất kinh doanh phải thay đổi để đẩy mạnh tích hợp những yêu cầu thân thiện, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế ít phát thải carbon.

Quyết định sản phẩm nội địa trọng tâm

 Cần quyết định những sản phẩm nội địa trọng tâm và nâng cao chất lượng hàng hóa nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đại dịch đã làm nhiều nước phát triển thay đổi suy nghĩ về sự phụ thuộc vào một thị trường chính như Trung Quốc. Đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tái cơ cấu, cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và xuất khẩu Việt Nam tiếp cận đến các thị trường mới, khách hàng mới.

Đầu tư nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, có khả năng ứng phó linh hoạt với các rủi ro không mong muốn và nắm được các kỹ năng mục tiêu của thời đại mới như kết nối, công nghệ số, phân tích dữ liệu lớn… Đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ là nhu cầu thiết yếu không chỉ với các doanh nghiệp tham gia vào nền công nghiệp thông minh mà còn đòi hỏi các chính sách vĩ mô từ Chính phủ.

Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cần phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề, tham gia trực tiếp vào quy trình đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam cần phát triển giáo dục trực tuyến thông qua cung cấp nhiều hơn các khoá dạy nghề và các kỹ năng, thu phí thấp hoặc miễn phí, có chứng chỉ khi đảm bảo mức độ tham gia, và chứng chỉ này được các doanh nghiệp chấp nhận khi tuyển dụng.

Chiến lược thông minh hóa công nghiệp là sự lựa chọn tất yếu của các quốc gia cũng như các thành phố có trình độ phát triển cao và tiên phong. Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội và thách thức này, chúng ta không có lựa chọn nào ngoài việc dấn thân và sẵn sàng thay đổi trong một thế giới sẽ rất khác sau cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19.

NCS. Nguyễn Hương Giang, Đại học Paris Saclay, Pháp – Giảng viên, Đại học Kinh tế quốc dân – Trợ lý Chủ tịch, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới