Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam khuyến khích nước ngoài mua DNNN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam khuyến khích nước ngoài mua DNNN

Minh Đức

Việt Nam khuyến khích nước ngoài mua DNNN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu ở Hà Nội sáng 30-9. Ảnh: TTO

(TBKTSG Online) – “Việt Nam khuyến khích các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán sáp nhập (M&A) trong thời gian tới,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói hôm 30-9 tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 ở Hà Nội.

Thủ tướng cho biết, qua hơn 20 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm khoảng 90% từ con số hơn 12.000 doanh nghiệp ban đầu. Hiện Chính phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước. Từ năm 2011 đến tháng 9-2015, Việt Nam đã cổ phần hóa được 350 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến trình này.

“Trong thời gian tới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam,” Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tạp chí Euromoney tổ chức tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài là chủ đề thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Phát biểu trước các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ trên thị trường tài chính, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Việt Nam đã ban hành và thực hiện quy định về mở rộng tỷ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng từ 49% lên 100%…

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhưng trong giai đoạn 2011 – 2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 6%/năm, năm 2015 dự kiến đạt trên 6,5%, cao nhất kể từ năm 2011.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam cùng các nước ASEAN đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế vào cuối năm 2015. ASEAN là một thị trường năng động với quy mô 625 triệu dân, với GDP khoảng 2.500 tỉ đô la Mỹ, có tốc độ tăng trưởng khá cao. Dự kiến đến năm 2030 tổng GDP của ASEAN sẽ đạt 10 nghìn tỉ đô la Mỹ.

Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do (FTA), và đầu năm 2015 đã ký các FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU).

“Các hiệp định FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20,” Thủ tướng nói. Ông nhấn mạnh rằng thời gian tới, việc ký và triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, cạnh tranh ở tầm mức cao hơn trong khu vực.

Ông Tony Shale, Tổng giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Euromoney tại diễn đàn, ghi nhận Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn trong khu vực Châu Á.

“Các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giúp Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng trong việc thu hút vốn đầu tư,” ông Tony  Shale nói.

Theo ông Peter R Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital, trong buổi hội thảo về ASEAN tại Quảng Nam mới đây, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong tổng thời lương sáu tiếng thì có tới hơn năm tiếng xoay quanh chủ đề Việt Nam.

“Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam," ông Ryder nói..

Theo số liệu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố tại hội nghị, đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỉ đô la Mỹ, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; số vốn đã giải ngân đạt 135 tỉ đô la.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỉ đô la, tăng 53% so với cùng kỳ và số vốn giải ngân đạt gần 10 tỉ đô la, tăng hơn 8% so với năm 2014.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sửa đổi thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế lâu dài.”

“Việt Nam chấp nhận cuộc chơi, sẵn sàng đổi mới để cạnh tranh," Bộ trưởng Vinh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới