Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam làm gì trước sự cạnh tranh gay gắt thu hút vốn FDI?

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau Hội nghị G20 tổ chức tại Indonesia, Financial Times đưa ra đánh giá rằng, các nền kinh tế Đông Nam Á đang là khu vực tiếp nhận nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập nhất châu Á, đón nhận 56% tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Singapore đang dẫn đầu về lĩnh vực tài chính và công nghệ cao, trong khi Việt Nam và Malaysia đang thu hút nhiều vốn FDI vào sản xuất; Indonesia cũng nhận được các khoản đầu tư kỷ lục vào lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là niken.

Công nghiệp bán dẫn là ngành thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Tại hội nghị G20, Financial Times ghi nhận đánh giá của các chuyên gia, cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU năm 2019 đã giúp Việt Nam không chỉ thu hút doanh nghiệp châu Âu mà còn cả doanh nghiệp Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường này để được giảm thuế. Singapore cũng đã ký FTA với EU và các hiệp định khác. Không chỉ EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc cũng đang tăng cường tiếp xúc với Malaysia, Indonesia, Philippines.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, sau nhiều cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị G20, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đang phát triển tương đồng ở Đông Nam Á cũng thêm quyết liệt.

Bên cạnh đó, FDI đang có sự thay đổi về chết lượng, chủ yếu luồng vốn đổ vào các lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng tái tạo cũng như tăng trưởng xanh. Nhóm thứ hai cũng khá quan trọng và chiếm vị thế gần đây là kinh tế số.

Theo thông tin từ TTXVN, Việt Nam có dân số tương đối trẻ với hơn 92 triệu dân, là nền kinh tế có dân số đông tham gia vào 16 hiệp định FTA. Điều này giúp thu hút vốn FDI vào Việt Nam, đồng thời có thể chiếm lĩnh được thị trường toàn cầu, nhất là dưới tác động tích cực của các FTA thế hệ mới.

Việt Nam chủ yếu có mức nhân công và giá thuê bất động sản tương đối rẻ, tạo nhiều thuận lợi cho nước ngoài đầu tư. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế chính trị, vị trí địa kinh tế của Việt Nam khá thuận lợi. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, gần với thị trường lớn Trung Quốc và đặc biệt dịch vụ vận chuyển và hậu cần (logistics) không bị gián đoạn lớn.

Trước sức cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực, lợi thế chủ yếu thu hút FDI của Việt Nam là giá nhân công và giá thuê đất rẻ, về dài hạn sẽ bất lợi. Vì vậy, để Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, giữ chân và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp FDI, TTXVN dẫn lời TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chính phủ cần xây dựng, sửa đổi những nhóm chính sách, cơ chế đặc thù để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Nhân lực trình độ cao của Việt Nam còn quá ít. Việt Nam cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi nhiều địa phương có chất lượng nguồn nhân lực tốt sẽ giúp thu hút FDI tốt hơn. Bất lợi nữa còn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất yếu trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, từ phương diện giá cả chưa cạnh tranh, chất lượng chưa tốt đến khả năng giao hàng đúng thời điểm.

Việt Nam cũng phải sớm khắc phục điểm hạn chế khác về kết cấu hạ tầng chưa bằng các nước trong khu vực, chi phí logistics nội địa cao và đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đủ phát triển để doanh nghiệp FDI có thể hợp tác nâng cao hiệu quả cũng như tăng tính chủ động trong bối cảnh những cú sốc về xung đột địa chính trị khu vực hay toàn cầu đang xảy ra như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới