Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam muốn có thêm nhiều công viên địa chất được công nhận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam muốn có thêm nhiều công viên địa chất được công nhận

Vân Ly

Việt Nam muốn có thêm nhiều công viên địa chất được công nhận
Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Sau khi công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam là Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được UNESCO công nhận, hiện có sáu tỉnh khác đã bước đầu hình thành công viên địa chất cấp tỉnh và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO xin công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Thông tin trên được ghi nhận tại hội thảo “Xây dựng Mạng lưới Công viên địa chất quốc gia và mô hình quản lý công viên địa chất tại Việt Nam” được tổ chức vào cuối tuần qua tại thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, do tỉnh này phối hợp với Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức. Sáu tỉnh đang thực hiện kế hoạch này gồm Quảng Ngãi, Đăk Nông, Cao Bằng, Gia Lai, Phú Yên, và Bắc Cạn.

Được biết, từ khi được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang, đặc biệt là về phát triển du lịch, theo nhận xét của tỉnh này. Và thành công của Hà Giang cũng là lý do chính thôi thúc sáu tỉnh nói trên bước đầu hình thành công viên địa chất cấp tỉnh và xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Được biết hoạt động trên cũng nằm trong kế hoạch nhằm cụ thể hoá Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết sẽ có những tiểu ban có trách nhiệm đánh giá các công viên địa chất của các địa phương có đủ tiêu chí đáp ứng các điều kiện của UNESCO hay không. Trên cơ sở đánh giá đó mới tiến hành xây dựng hồ sơ, thực hiện nghiên cứu khoa học, đánh giá, những địa phương nào có tiềm năng sẽ xây dựng hồ sơ để trình lên UNESCO để công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu.

6 công viên địa chất tại các tỉnh gồm:

Quảng Ngãi: tháng 12-2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 453/QĐ-UBND về việc thành lập Công viên địa chất Lý Sơn (tại đảo cùng tên) với diện tích khoảng 127km2 với số dân khoảng 66.740 người.

Đăk Nông: Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô với quần thể di sản thiên nhiên phong phú gồm di sản địa chất núi lửa độc đáo, di sản văn hoá đặc sắc. Với dãy núi Nâm Nung hùng vĩ, sông Sêrêpốk, cao nguyên bazan Mơ Nông, hệ thống hang động núi lửa, các khu bảo tồn thiên nhiên, nơi đây có 40 dân tộc sinh sống với bề dày lịch sử, văn hoá…

Cao Bằng: giới thiệu thác Bản Giốc, hồ Thăng Then, đa dạng sinh học, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử của đồng bào các dân tộc Cao Bằng, bao gồm cả di sản địa chất, văn hoá, lịch sử.

Gia Lai: dự kiến phạm vi Công viên địa chất Gia Lai là phần lớn huyện K’Bang, thị xã An Khê và một phần các huyện Măng Yang và Đăk Đoa với tổng diện tích khoảng 2.500km2. Công viên gồm toàn bộ Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trên cao nguyên Pleiku và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Rang trên cao nguyên Kon Hà Nừng cùng phần thung lũng sông Ba.

Phú Yên: gồm khu vực các huyện Sông Cầu, Tuy An và một phần phía tây của Thị xã Tuy Hoà, kể cả các đảo ven bờ thuộc các huyện kể trên, tổng diện tích khoảng 1.250km2, dân số khoảng 250.000 người.

Bắc Cạn: gồm Vườn Quốc gia Ba Bể với sự đa dạng của các thành tạo địa chất, có nhiều loại đá khác nhau. Công viên gồm hồ Karst Ba Bể, thác Đầu Đẳng, hẻm vực karst Sông Năng, khoảng 20 hang động, hang hoá thạch…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới