Việt Nam muốn quản lý chặt dịch vụ xuyên biên giới
Chí Thịnh
![]() |
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nói về dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới. Ảnh: Chí Thịnh. |
(TBKTSG Online) – Nhiều cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh nội dung số trong nước đã có chung quan điểm về việc có sự quản lý chặt chẽ đối với dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới.
Tại cuộc hội thảo về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt (Vibrand) năm 2017 diễn ra ngày 7-12 ở TPHCM, những chủ đề thảo luận tập trung vào việc nhận diện và bảo vệ thương hiệu Việt cho các sản phẩm nội dung số, quản lý dịch vụ xuyên biên giới, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội dung số…
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng dịch vụ quảng cáo cũng như hoạt động của các trang thông tin điện tử xuyên biên giới cần được quản lý chặt chẽ. Hiện nay, các dịch vụ quảng cáo, cung cấp thông tin xuyên biên giới đang phát triển mạnh tại Việt Nam, do đó, cần có cơ chế kiểm soát một cách phù hợp.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ về việc đưa ra quy chế quản lý theo kịp sự phát triển trong thực tế, đồng thời tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp nội dung số trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (cung cấp dịch vụ xuyên biên giới). Ví dụ, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới, thu tiền từ người tiêu dùng trong nước nhưng không xin giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Ngay từ thời điểm Nghị định 72/2013/NĐ-CP được ban hành, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước góp ý rằng công tác quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chưa tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Các quy định hiện thời chỉ tập trung vào việc quản lý doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra giải pháp quản lý thông qua dòng tiền chảy vào kênh quảng cáo của các dịch vụ xuyên biên giới. Đối với những kênh thông tin, nội dung trình chiếu trên Internet có nội dung xấu (vi phạm pháp luật, không phù hợp thuần phong mỹ tục…) sẽ đề nghị doanh nghiệp, đại lý quảng cáo làm việc lại với nhà cung cấp dịch vụ để ngừng phát hành các nội dung này. Bên cạnh việc kiên trì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Google, YouTube, Facebook) gỡ bỏ các nội dung không lành mạnh thì biện pháp làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đại lý quảng cáo trên mạng để cảnh báo về nguy cơ, rủi ro nếu như quảng cáo không được kiểm duyệt (lọt nội dung xấu) đã có hiệu quả.
Sắp tới, cơ quan này cũng sẽ tiếp tục đưa ra một số giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng danh sách kênh thông tin “sạch” trên YouTube, sẽ có bộ phận kiểm duyệt, rà soát xử lý khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tiến hành lọc danh sách kênh thông tin có nội dung vi phạm để tiến hành cảnh báo, yêu cầu gở bỏ.
Ở một góc độ khác, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) nói về cách thức bảo vệ thương hiệu Việt cho các sản phẩm nội dung số. IDE đang ứng dụng công nghệ để cung cấp giải pháp bảo vệ thương hiệu có tên gọi “quy trình xác thực chống hàng giả”. Quy trình này sẽ giúp cho người tiêu dùng kiểm tra hàng hoá một cách nhanh chóng (qua ứng dụng di động); giúp doanh nghiệp quản lý sản phẩm, kết nối với khách hàng… thông qua mã QR (QR Code).
Mời đọc thêm: