Thứ Bảy, 10/06/2023, 05:14
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Việt Nam – Nga thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao kim ngạch, đầu tư

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chiều 1-12 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước đã dự và phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Nga. Tham dự sự kiện có ông Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Doanh nhân Nga cùng 80 doanh nghiệp hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước. Ảnh: TTXVN

Tại diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, thảo luận các biện pháp cụ thể để đạt mục tiêu nâng kim ngạch hai chiều tăng 15 lần, đầu tư tăng ba lần trong thời gian tới.

Phát biểu tại tọa đàm, doanh nhân hai nước bày tỏ sẵn sàng đầu tư vào nhau trên cơ sở mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng như những cơ hội và cơ chế ưu đãi đầu tư của mỗi nước.

Tại tọa đàm, ông Alexander Shokhin cho rằng các doanh nghiệp Nga và Việt Nam cần khai thác thế mạnh của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, bởi đây chính là hiệp định đầu tiên mà Liên minh ký với bên ngoài.

Ông Alexander Shokhin cho biết doanh nghiệp của Nga rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là sử dụng các ưu thế hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với Liên minh kinh tế Á-Âu.

Tại tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo với doanh nghiệp hai nước về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, mở ra nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và thương mại, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, tăng trưởng có thể đạt 4,5% trong năm nay dù dịch bệnh Covid-19; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 600 tỉ đô la Mỹ, xuất siêu liên tục, lạm phát thấp.

Việt Nam là nền kinh tế quy mô lớn thứ ba trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là nước tham gia 15 hiệp định thương mại tự do với nhiều hiệp định tiêu chuẩn cao, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nga có cơ hội thâm nhập vào các thị trường hết sức rộng lớn.

Chủ tịch nước nêu rõ, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là 1 trong 20 nước trên thế giới thu hút đầu tư thành công nhất. Trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Nga vào Việt Nam còn thấp trong khi tiềm lực của nước Nga rất lớn.

Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp Nga với sự hỗ trợ quan tâm của Chính phủ tăng cường nghiên cứu thị trường Việt Nam, và ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường Nga để hợp tác trao đổi đạt kết quả tốt hơn.

Chủ tịch nước cho rằng không gian hợp tác của từng ngành kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu lúa mì hay thịt heo nhưng cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và sản phẩm khác mà Việt Nam sản xuất được. Bởi Nga có diện tích rộng lớn nhưng xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt 30 tỉ đô la mỗi năm, còn Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 45 tỉ đô la, nên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

Phía Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Nga sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương.

Chủ tịch nước cho rằng cần đề cao vai trò của Ủy ban Liên chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại nhiều hơn nữa để hiểu về thị trường của nhau với các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng, tài chính và cùng tham gia các chuỗi giá trị.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ông Andrey Slepnev – Bộ trưởng phụ trách thương mại của Ủy ban kinh tế Á-Âu ngày 1-12.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực từ năm 2016 và mang lại hiệu quả cao cho hợp tác kinh tế hai nước. Theo đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu tăng hơn 2 lần so với thời điểm trước khi FTA có hiệu lực.

Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng cho rằng mặc dù quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á- Âu thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, đặc biệt khi hai nền kinh tế có hàng hóa, dịch vụ mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng này.

Bộ trưởng Slepnev cho biết các doanh nghiệp EAEU đánh giá Việt Nam là địa điểm kinh doanh, đầu tư rất hấp dẫn, đồng thời là cửa ngõ để tiếp cận với khu vực ASEAN và vươn ra thế giới. Do đó, trong thời gian tới hai bên cần xem xét thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời nhanh chóng nắm bắt những cơ hội hợp tác mới trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, hàng không, phương tiện giao thông vận tải, thương mại điện tử, thương mại số…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng dành thời gian chia sẻ tầm nhìn về hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư giữa hai bên trong 10 năm tới, trong đó nhấn mạnh cần tìm giải pháp mới tạo sự bứt phá trong hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai bên, theo đó Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu cần sớm trao đổi về lộ trình chung cải thiện FTA; khuyến khích doanh nghiệp của EAEU đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà Việt Nam rất cần như lĩnh vực năng lượng mới trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuyển đổi năng lượng để thực hiện các cam kết trong COP26; chuyển đổi số; phát triển công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế biến, chế tạo, điện tử… là những lĩnh vực Liên minh rất có lợi thế. Các dự án lớn như vậy sẽ tác động mạnh mẽ tới cán cân thương mại 2 bên theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch thương mại song phương sẽ không chỉ dừng ở 10-15 tỉ đô la mà sẽ gấp nhiều lần con số hiện tại.

Kết thúc cuộc họp, hai bên thống nhất sẽ xem xét tổ chức Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định theo hình thức trực tiếp để bàn một cách tổng thể những chương trình hợp tác mới trong thời gian sớm nhất, dự kiến quý 1-2022, ngay khi điều kiện cho phép. Hai Bộ trưởng thống nhất giao cấp kỹ thuật hai bên tham vấn chuyên sâu trước kỳ họp Ủy ban hỗn hợp để giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại và đề xuất cụ thể các sáng kiến hợp tác mới.

Theo TTXVN, Bộ Công Thương

1 BÌNH LUẬN

  1. Gần 100 năm quan hệ hữu nghị nhưng doanh số giao thương Việt – Nga mới chỉ đạt 5 tỷ USD/ năm. Nguyên nhân tại ta hay do đối tác ? Cần rút ra mối quan hệ kinh tế với các đại cường quốc của thế giới, nếu không sẽ lãng phí rất lớn cơ hội và nguồn lực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới