Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều năng lượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều năng lượng

Lan Nhi

Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều năng lượng
Dự án điện gió Phú Lạc Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Từ năm 2015, Việt Nam đã chính thức chuyển từ quốc gia xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng với tổng số 3% nhu cầu năng lượng sơ cấp phải nhập. Tỉ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 24% vào năm 2030.

Phát biểu tại Hội thảo về phát triển thủy điện nhỏ và  năng lượng tái tạo hôm 5-10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Vy từ Hiệp hội năng lượng Việt Nam cảnh báo, nếu không đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, thì tỉ lệ nhập khẩu có thể lên đến 44% nhu cầu năng lượng sơ cấp vào năm 2030, thay vì 24% (2030) như đã dự báo ở trên.

Nguồn năng lượng tái tạo sơ cấp là thủy điện, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, hiện đã  phát triển đến ngưỡng. Mục tiêu là đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW.

Hiện nay, hầu hết các dòng sông, suối đã được nghiên cứu quy hoạch với 824 dự án thủy điện có tổng công suất 24.778 MW, bằng 95,3% tiềm năng khả thi nêu trên. Trong số đó, đã vận hành khai thác 17.987 MW; đang thi công xây dựng 165 dự án có tổng công suất 3.348 MW, bằng 13,51% tổng công suất quy hoạch.

Trong bối cảnh thủy điện đã phát triển đến ngưỡng, không khuyến khích các dự án nhiệt điện ô nhiễm môi trường và các dự án năng lượng có nguy cơ cao hoặc suất đầu tư lớn, việc phát triển năng lượng tái tạo là một bước đi luôn cần phải có sự chuẩn bị lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, khẳng định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Mục tiêu là đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt; có chính sách hỗ trợ về đầu tư, thuế để phát triển năng lượng tái tạo.

Song thực tế mục tiêu thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng đầy thách thức. Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện mới là 180 MW). Giá bán điện của các dự án này tương đương 7,8 U.S. cent/kWh (trong đó nhà nước hỗ trợ 1 cent thông qua Quỹ bảo vệ môi trường) cùng những cơ chế khác như trách nhiệm mua điện, ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, về hạ tầng đất đai,…

Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Cơ chế hỗ trợ về giá bán điện là 9,35 U.S. cent/kWh với thời hạn của hợp đồng là 20 năm cùng với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khác như việc mua điện, thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Các hỗ trợ về giá chưa tạo ra động lực thúc đẩy thực sự cho các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau phát triển. Theo Hiệp hội năng lượng, năng lượng tái tạo sẽ không thể cạnh tranh bình đẳng với nguồn điện thông thường cho đến khi các chính sách mới được áp dụng để đưa vào các chi phí của các nguồn nhiên liệu hóa thạch theo cơ chế thị trường.

Một bất lợi khác là điện sản xuất từ năng lượng tái tạo thường phải đối mặt với sự bất lợi cạnh tranh không lành mạnh do các chính sách hiện nay không quy định phải trả các chi phí về môi trường và xã hội đối với công nghệ cung cấp điện từ nguồn nguyên liệu hóa thạch. Đó là chưa kể các rào cản thị trường như chi phí tài chính quá cao, quy mô nhỏ khiến sức ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo trên thị trường điện là rất thấp.

Theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, để giảm thiểu tỉ lệ nhập khẩu điện năng đang gia tăng tại Việt Nam, cần phải xây dựng một cơ chế ổn định, lâu dài cho năng lượng tái tạo phát triển. Trong đó phải bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ban hành giá phát thải khí CO2 trên cơ sở việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải trả phí phát thải.

UBND các tỉnh, thành cần phải tổ chức phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch quốc gia để tạo nên sự đồng bộ, thay vì từng dự án năng lượng tái tạo nhỏ lẻ được đề xuất khiến cho bức tranh phát triển loại năng lượng này đến nay vẫn còn manh mún.

Mời xem thêm:

Giá điện sản xuất từ bã mía thấp khó thu hút nhà đầu tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới