Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam ở đâu trong ngành truyện tranh châu Á?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam ở đâu trong ngành truyện tranh châu Á?

Với chi phí đầu tư nhiều, số lượng in lại ít và chiết khấu phát hành quá cao, con đường phát triển truyện tranh VN hầu như bế tắc.

(TBKTSG) – Doanh số ngành công nghiệp truyện tranh thế giới ước tính 250 tỉ đô la Mỹ đã làm những quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc đang rất hăm hở với những kế hoạch lớn. Việt Nam ở đâu trong cuộc chạy đua này?

Ấn Độ: các công ty nước ngoài đổ xô đến

Tại Ấn Độ, thị trường truyện tranh khá khiêm tốn. Chỉ có khoảng 30 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, trong 10 năm nữa con số này sẽ tăng gấp bốn lần. Điều này cũng lý giải tại sao ông Richard Branson đã quyết định thành lập Virgin Comics và Virgin Animation tại Ấn Độ. Đây chỉ là một trong số nhiều hãng truyện tranh/hoạt hình mở văn phòng tại đây…

Thực ra, mục tiêu của các công ty này không phải chỉ là thị trường trong nước. Theo các chuyên gia, 70% truyện tranh trên thế giới trong thập kỷ tới sẽ có nguồn gốc châu Á, phần lớn là từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhà sản xuất phim nổi tiếng người Ấn, Shekhar Kapur, cổ đông chính trong Virgin Comics, cho biết: “Ai biết được Harry Potter lần tới là từ Ấn Độ. Chúng tôi không muốn Ấn Độ chỉ là sân sau, chỉ vẽ gia công và làm hậu kỳ cho các hãng khác. Lần này, chúng tôi muốn trực tiếp phát triển những câu chuyện, nhân vật. Chúng tôi mong muốn tạo làn sóng văn hóa Ấn ra thế giới!”.

Tham vọng này thật ra không phải là lớn. Ấn Độ có một nền văn hóa lâu đời và khác biệt với nhiều truyền thuyết. Họ còn muốn tạo ra những nhân vật làm điên đảo thế giới theo kiểu Batman và Pokemon. Lợi nhuận từ việc nhượng quyền để làm phim, game, đồ chơi, quần áo và các sản phẩm khác mới là lớn. Còn thật ra, truyện tranh chỉ là một phần nhỏ.

Trung Quốc: chính phủ nhảy vào cuộc

Với dân số dưới 18 tuổi là hơn 300 triệu người, người ta dự báo ngành truyện tranh và hoạt hình tại đất nước đông dân nhất thế giới này có thể tạo ra 12,8 tỉ đô la Mỹ doanh thu hàng năm. Thế nhưng theo thống kê của năm 2005, doanh thu ngành này ở đây chỉ có 2,3 tỉ đô la Mỹ.

Do nguồn cung trong nước không đủ nên Trung Quốc là nước nhập khẩu rất lớn các nhân vật và sản phẩm nhượng quyền (Pokemon, Doramo, Snoopy, Disney) lên đến 600 triệu đô la hàng năm.

Nhận thấy tiềm năng như vậy nên chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch phát triển ngành công nghiệp này. Theo kế hoạch, 15 “căn cứ địa” sẽ được thiết lập tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến để không bỏ lỡ cuộc chơi, mặc dù khởi hành trễ.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực là một thách thức lớn cho Trung Quốc. Hiện chỉ có 10.000 người đang làm trong ngành, bằng một phần ba số người tương tự ở Hàn Quốc. Trong khi đó, hàng năm chỉ có 300 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan.

Một dự án liên thông 15 bộ đã tung ra chiến dịch “Tìm kiếm tài năng mỹ thuật ứng dụng số”, nhằm thu hút những tài năng và khuyến khích sinh viên học sinh chọn nghề. Song song đó nhiều trường đại học và phổ thông trung học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo hướng nghiệp. Trường Đại học Nhân Dân đã chiêu sinh khóa cao học chuyên ngành về truyện tranh và hoạt hình.

Nhiều tỉnh lớn như Quảng Châu, Hồ Bắc không muốn mình đứng ngoài cuộc chơi. Tỉnh An Huy đã không giấu giếm tham vọng khi tuyên bố sẽ “trở thành thủ đô của truyện tranh và hoạt hình”. Chính quyền các tỉnh này thu hút đầu tư bằng các ưu đãi về thuế, đất đai và trực tiếp mở các khóa học để chuẩn bị nguồn nhân lực.

Việt Nam: có còn cửa?

Ngay sau khi Việt Nam ký Công ước Bern năm 2004 được ký, truyện tranh Việt Nam bắt đầu một cú hích mạnh mẽ với sự đỡ đầu của những “bà đỡ” như NXB Trẻ cho nhóm T3 (Truyện Tranh Việt). Tiếp theo đó là M-Heaven của nhóm Hollyland Club (Hà Nội) với hy vọng tạo ra một ManVi (Manga phong cách Việt). Thế nhưng, cả hai đã chết yểu.

Thất bại có nhiều lý do. Lượng độc giả truyện tranh ở Việt Nam chưa nhiều. Mỗi kỳ in chỉ khoảng 5.000-7.000 cuốn mà giá chỉ có 8.000-10.000 đồng nên việc đầu tư để có một cuốn truyện tranh trong nước hấp dẫn rất khó. Chưa kể, đội ngũ họa sĩ truyện tranh Việt Nam vẫn chưa đủ tầm.

Họa sĩ Nguyễn Sơn, Phó chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ, cho biết: “Hầu hết các họa sĩ truyện tranh đều xuất thân từ những ngành mỹ thuật khác. Vì yêu thích nên họ mới chuyển nghề. Hơn nữa, phát triển một truyện tranh không chỉ có họa sĩ mà còn có cả một đội ngũ làm việc ăn ý – từ cốt truyện hay, kịch bản hấp dẫn cho đến phân cảnh hợp lý, rồi mới nói đến vẽ. Việt Nam hoàn toàn thiếu những ê-kíp chuyên nghiệp như vậy”.

Cũng có những doanh nghiệp vẫn có thể “sống chung” với truyện tranh nước ngoài tràn lan hiện nay như Phan Thị với Thần đồng đất Việt. Ngoài ra, cũng phải kể đến NXB Trẻ và Kim Đồng – cả hai vẫn đều đặn cho ra những tập truyện trong nước, song song với những truyện tranh mua bản quyền nước ngoài.

Với chi phí đầu tư nhiều, số lượng in lại ít và chiết khấu phát hành quá cao (30-45%), con đường phát triển truyện tranh Việt Nam hầu như bế tắc. Mua bản quyền truyện tranh ngoại tính ra lại “ngon, bổ, rẻ”. “Trong nhiều năm tới, chúng ta sẽ còn tiếp tục thấy truyện tranh đến từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và có thể là Ấn Độ”. Họa sĩ Nguyễn Sơn cho biết thêm. “Hiện nay cả Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư mạnh mẽ vào truyện tranh. Việt Nam cần tìm kiếm lối đi khác, khả thi hơn. Phát triển nhân vật là một hướng tốt”.

Phát triển nhân vật để có thể nhượng quyền là một ngành kinh doanh lớn. McKids là công ty Việt Nam đầu tiên tìm lối đi này, thay vì kinh doanh truyện tranh thuần túy. Họ xem việc phát hành truyện tranh là chi phí đầu tư để quảng bá cho nhân vật hơn là lợi nhuận. Nhân vật đầu tiên mà McKids phát triển đó là Cảnh sát trưởng tí hon, nhắm đến lứa tuổi cấp 1. Phối hợp với NXB Trẻ, tập truyện định kỳ hàng tháng nói về những vụ án học đường cùng với những thông tin khoa học và giáo dục.

Tuy nhiên, McKids cũng gặp phải vấn đề lớn là nguồn nhân lực. Để giải quyết vấn đề này, công ty thuê một hãng gia công truyện tranh có trụ sở tại Mỹ và chi nhánh tại Philippines. Nhóm họa sĩ ở Philippines sẽ phát triển những tập truyện độc lập, cùng với nhóm sáu họa sĩ trong nước vẽ những tập khác. “Nếu chúng tôi không tìm được thêm một ê-kíp tốt trong nước, thì đây là giải pháp mà chúng tôi phải  chấp nhận. Philippines  là quốc gia chuyên gia công cho các hãng truyện tranh lớn ở Mỹ”, anh Nguyễn Phương Thụy, Trưởng nhóm McKids, cho biết.

Thách thức lớn nhất cho các công ty phát triển nhân vật là làm sao tăng sự nhận biết và yêu thích từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Internet đang là cứu cánh để họ có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả đến đối tượng nhắm đến.

“Nếu như trước đây các nhân vật thường bắt đầu từ truyện tranh, sau đó lên truyền hình, màn ảnh rộng rồi đến sản phẩm nhượng quyền, thì ngày nay con đường đi ngắn hơn nhiều. Nhờ truyền thông xã hội và Internet, các nhân vật có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả đến công chúng – xuyên biên giới”, họa sĩ Nguyễn Sơn cho biết thêm.

MAI ANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới