Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam sẽ tiếp tục phóng vệ tinh viễn thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam sẽ tiếp tục phóng vệ tinh viễn thông

Quang cảnh buổi họp báo tại Hà Nội sau khi vệ tinh Vinasat-1 phóng thành công vào quỹ đạo- Ảnh: Vân Oanh

(TBKTSG – Online) – Ngay sau thành công của việc phóng vệ tinh viễn thông thương mại đầu tiên của Việt Nam vào sáng ngày 19-4 (vệ tinh Vinasat-1), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tính đến kế hoạch phóng các vệ tinh khác.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai công bố tại buổi họp báo trưa 19-4 tại Hà Nội. Ông Lai nói: “Sẽ có một đến hai vệ tinh viễn thông nữa của Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển thông tin và truyền thông của quốc gia. Bộ đã đăng ký dự trữ quỹ đạo cho các vệ tinh này với Liên minh Viễn Thông quốc tế.”

Tùy vào nhu cầu sử dụng vệ tinh của Việt Nam trong thời gian tới bộ sẽ có  quyết định thời điểm phóng các vệ tinh tiếp theo.

Ông Lai cũng cho biết hiện mỗi năm Việt Nam phải trả 15 triệu đô la Mỹ tiền thuê vệ tinh. Nếu Việt Nam có những vệ tinh riêng thì không những góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước mà còn tăng tính chủ động đảm bảo liên lạc khi hạ tầng viễn thông mặt đất (cáp quang và cáp đồng) bị sự cố.

Còn ông Lâm Quốc Cường, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quốc Tế (VTI) cho biết, khách hàng đầu tiên của Vinasat-1 chính là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VTI và một số khách hàng nước ngoài. Hiện có nhiều đơn vị trong nước đã ký ghi nhớ về việc sử dụng vệ tinh Vinasat-1.

Hiện các đối tác này đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật liên quan đến mạng lưới, ứng dụng và giải quyết các thủ tục cần thiết cho việc chuyển đổi. Bởi trước đây các khách hàng có nhu cầu đã phải thuê vệ tinh và thiết bị của nước ngoài. Ông Cường cũng cho biết, VTI đang nỗ lực để sau khoảng 4-5 năm sẽ có khách hàng thuê hết các dịch vụ của vệ tinh Vinasat-1 cung cấp.

Ông Nguyễn Bá Thước, Phó chủ tịch VNPT – đơn vị quản lý vệ tinh, cho biết hiện chưa có mức giá cụ thể cho các dịch vụ của vê tinh Vinasat-1 cung cấp nhưng khẳng định mức giá thuê vệ tinh Vinasat-1 sẽ cạnh tranh hơn so với giá thuê vệ tinh của các nhà cung cấp khác trong khu vực. Bởi Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ hơn các nước nên có thể có được mức giá thành thuê vệ tinh giảm hơn.

VNPT đang đề nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế phù hợp hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ cũng như các doanh nghiệp, khách hàng sử dụng dịch vụ của Vinasat-1. Như miễn cước băng tần trong giai đoạn chuyển đổi sóng sang vệ tinh Vinasat-1. Những khách hàng sử dụng vệ tinh Vinasat-1 bằng vốn ngân sách thì phải được cấp vốn sớm…

Ông Thước cũng cho biết sau khi Vinasat-1 được phóng lên quỹ đạo, nhà thầu Lockheed Martin (Mỹ) sẽ có một tháng để đo kiểm và vận hành thử thiết bị, sau đó sẽ bàn giao cho VNPT để quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Sẽ có hai loại dịch vụ cơ bản được cung cấp phục vụ khách hàng là cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh, hoặc thuê lẻ dung lượng) và các dịch vụ trọn gói như: kênh thuê riêng, phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu  ngân hàng, đường truyền ISP, kênh thuê riêng cho di động, điện thoại vùng sâu vùng xa…

Trước đó, chiều ngày 18-4, trả lời các hãng thông tấn nước ngoài về tác động của việc phóng vệ tinh với ngành viễn thông Việt Nam, Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định mức tăng trưởng của dịch vụ viễn thông sẽ nhanh hơn. Dự báo đến năm 2010, mật độ điện thoại ở Việt Nam sẽ tăng gấp rưỡi hiện nay, lên 70-75 máy/100 dân, tỷ lệ người sử dụng Internet sẽ tăng lên khoảng 40% dân số (tỷ lệ hiện tại là trên 20%).

Mặc dù một tháng sau khi được phóng lên quỹ đạo, vệ tinh Vinasat-1 mới được giao cho phía Việt Nam quản lý điều khiển, nhưng công tác này tại Trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương, Hà Tây (thuộc Trung tâm Thông tin vệ tinh, VTI) cũng đã sẵn sàng. Ông Hoàng Phúc Thắng, Phó trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương cho biết 21 nhân viên của trạm này đều đã được đào tạo bài bản, đủ khả năng làm chủ công nghệ để điều khiển vệ tinh này. Tuy nhiên ông Thắng vẫn băn khoăn, bởi lần đầu tiên Việt Nam có một vệ tinh riêng nên khó khăn lớn nhất đối với các chuyên gia Việt Nam là vấn đề kinh nghiệm.

Được biết, trong 6 tháng đầu tiên, Lockheed Martin sẽ tiếp tục hỗ trợ VNPT về kỹ thuật. Cùng 2 trạm điều khiển Quế Dương và Bình Dương, đối tác này vẫn giám sát, thu thập thông tin qua hệ thống riêng của mình để sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam khi cần thiết.

VÂN OANH  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới