Việt Nam sẽ tự chế tạo vệ tinh quan sát Trái đất
Minh Đức
![]() |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Nguyễn Văn Lạng và PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia tại lễ khởi công ngày 19.9. Ảnh: C.T |
(TBKTSG Online) – GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hôm 19-9 cho biết, đến năm 2020, Việt Nam có thể tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất riêng cho mình.
Dự án xây dựng “ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” tại khu công nghệ cao Hòa Lạc đã chính thức được khởi công hôm 19-9.
GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đơn vị được giao quản lý dự án cho biết, trung tâm sẽ tạo nên hạ tầng công nghệ cơ bản ban đầu cho sự phát triển công nghệ vệ tinh, để đến năm 2020 Việt Nam có thể tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất riêng cho mình.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá Việt Nam nằm trong những nước có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tổn thất do thiên tai gây ra ước tính khoảng gần 1,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam. Bên cạnh đó, hơn 70% dân số Việt Nam sống trong vùng dễ bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt.
Hiện các số liệu vệ tinh được mua từ nước ngoài được sử dụng vào việc theo dõi, dự đoán thiên tai và quản lý rừng. Tuy nhiên, JICA cho rằng, các số liệu này không phát huy được tối đa tác dụng do giới hạn về thời gian sử dụng và chi phí mua quá cao. Do vậy, để có được các thông tin và số liệu truvền từ vệ tinh chính xác và kịp thời, việc giới thiệu các thiết bị và công nghệ để thiết kế, sử dụng và vận hành vệ tinh quan sát Trái đất ở Việt Nam là cấp bách.
Đại diện của JICA cho biết, các khoản vay sẽ được phân bổ cho việc mua sắm vệ tinh quan sát Trái đất và cho việc xây dựng các trang thiết bị phụ trợ, lắp đặt thiết bị, đào tạo cán bộ kỹ sư và các dịch vụ tư vấn khác. Điều kiện đặc biệt cho hợp tác kinh tế (STEP) sẽ được áp dụng cho dự án này.
Theo kế hoạch của dự án, năm 2017 Việt Nam sẽ phóng vệ tinh số 1 (mua nguyên chiếc) và năm 2020 sẽ phóng vệ tinh số 2 (tự chế tạo)
Dự kiến, khi hoàn thành, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ đảm trách những công việc như làm chủ công nghệ, tự thiết kế, lắp ráp thử nghiệm, điều khiển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, lãnh thổ Việt Nam bằng công nghệ ra-đa hiện đại; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu.
Được xây dựng trên diện tích rộng gần 9 héc ta nằm trong khuôn viên khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đầu tư với tổng nguồn vốn 54,4 tỉ yen (tương đương gần 700 triệu đô la Mỹ), trong đó nguồn vốn ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm 46,5 tỉ yen và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.774 tỉ đồng. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020. |