Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam tăng 16 bậc xếp hạng cạnh tranh của WEF

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam tăng 16 bậc xếp hạng cạnh tranh của WEF

Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Việt Nam đã tăng 16 bậc, lên vị trí thứ 59/139 nền kinh tế, trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2010-2011 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa được công bố.

Báo cáo được đưa ra trước cuộc họp thường niên các nhà vô địch mới 2010 (Annual Meeting of the New Champions 2010) của WEF sắp diễn ra tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc).

Theo đánh giá, một trong những điểm giúp Việt Nam tăng bậc là thị trường lao động hiệu quả (vị trí 30) và tiềm năng đổi mới (vị trí 49).

Dù vậy, báo cáo đã chỉ ra nhiều điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bản báo cáo cho rằng thương mại tại Việt Nam vẫn bị cản trở, do thuế nhập khẩu cao (8,2% – xếp vị trí 90), các rào cản thương mại (vị trí 112), và thủ tục hải quan rườm rà (vị trí 106).

Sau giai đoạn “nóng” vừa rồi với lạm phát tăng cao, giá tiền đồng giảm mạnh, lãi suất dao động mạnh, thì đến nay tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện đáng kể (xếp thứ 85, tăng 27 bậc).

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách của Việt Nam hiện vẫn nằm ở top cao nhất thế giới. Điều này khiến nợ công tiếp tục tăng cao, đặt Việt Nam vào tình thế phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vẫn là thách thức lớn cho Việt Nam vì dù đã có đôi chút cải thiện trong những năm gần đây nhưng chưa thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Báo cáo cho thấy hiện còn nhiều lo ngại về chất lượng đường sá (vị trí 117) và cảng biển (vị trí 97).

Theo đề xuất của các chuyên gia thực hiện báo cáo, để tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh môi trường thể chế. Ngoài ra, cần giảm bớt các thủ tục rườm rà (xếp vị trí 110) và thời gian quy định (50 ngày, xếp vị trí 118) đối với việc thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có lo ngại tình hình bảo vệ sở hữu trí tuệ (xếp vị trí 109); tham nhũng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi và thường xuyên (xếp vị trí 107).

Xét về quản trị doanh nghiệp, khu vực tư nhân được đánh giá là chưa đủ trách nhiệm (xếp vị trí 124), một phần do sự yếu kém trong bảo vệ nhà đầu tư (xếp vị trí 133, xếp thứ 3 từ dưới lên).

Theo bảng xếp hạng 2010-2011, Thụy Sĩ vẫn giữ vị trí dẫn đầu, Mỹ bị hạ 2 bậc, xuống vị trí thứ 4, Trung Quốc tăng 2 bậc lên vị trí 27 – dẫn đầu các nền kinh tế phát triển. Một số nước châu Á khác vẫn được đánh giá cao về năng lực cạnh tranh, như Nhật Bản (vị trí thứ 6).

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế dựa trên chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Sala-i-Martin phát triển cho Diễn đàn kinh tế thế giới và được giới thiệu vào năm 2004. GCI dựa trên 12 tiêu chí cạnh tranh, gồm định chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế, giáo dục tiểu học, giáo dục bậc cao và đào tạo, hiệu quả thị trường hàng hoá, hiệu quả thị trường lao động, phát triển thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ, quy mô thị trường, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và đổi mới.

Xếp hạng dựa trên các số liệu được công bố chính thức và khảo sát ý kiến các lãnh đạo doanh nghiệp do WEF thực hiện cùng các viện nghiên cứu và các tổ chức kinh doanh ở các nước. Trong năm nay, hơn 13.500 giám đốc doanh nghiệp được khảo sát ý kiến ở 139 nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới