Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam tiếp tục ‘mục tiêu kép’ chống dịch và phát triển kinh tế trong 2022

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam tiếp tục ‘mục tiêu kép’ chống dịch và phát triển kinh tế trong 2022

Minh Duy

(KTSG Online) – Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước trong 3 năm 2022-2024. Theo đó, trong năm 2022, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Dự toán thu nội địa năm 2022 tăng khoảng 6-8%.

Việt Nam tiếp tục 'mục tiêu kép' chống dịch và phát triển kinh tế trong 2022
Người dân mua hàng tại một siêu thị tại TPHCM, nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ngăn dịch Covid-19. Ảnh: Minh Duy

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Năm 2022: thực hiện bằng được "mục tiêu kép"

Thủ tướng chỉ thị các bộ, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 là phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; phấn đấu tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.

Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.

Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế xã hội.

Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị-xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân…

Phấn đấu thu nội địa năm 2022 tăng 6-8% so với năm 2021

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021, đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách.

Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên khoảng 28-29% tổng chi ngân sách, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ.

Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra phát hiện, kiến nghị.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng tích cực, khả thi, đảm bảo thu đúng, thu đủ và nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong bối cảnh vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn trong năm 2021, cần tiếp tục tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu năm 2022.

Thêm vào đó, cần tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Mời đọc thêm:

TPHCM có 25 điểm tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền

Các F0 mới phát hiện, không triệu chứng có thể cách ly tại nhà

Chính phủ cho phép các địa phương có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16

Có thể điều trị cho 66.000 ca nhiễm Covid-19 cần đến thở oxy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới