Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Đông Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam trong bối cảnh kinh tế Đông Á

TS. Trần Lê Anh (*)

Công nhân của Nhà máy Pepperl + Fuchs (Đức) tại khu chế xuất Tân Thuận. Nếu biết khéo léo thu hút và sử dụng FDI thì Việt Nam có thể đẩy mạnh tiến trình chuyển giao công nghệ để có thể leo lên một nấc thang phát triển mới nhanh hơn. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Trong quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, khu vực Đông Á (bao gồm các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á) đang trở nên tâm điểm tăng trưởng kinh tế đầy sôi động với sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Những diễn biến ở Đông Á sẽ tạo ra ảnh hưởng khắp toàn cầu và đặc biệt quan trọng với Việt Nam do Việt Nam có một vị trí chiến lược trong vùng và là một nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào hệ thống thương mại toàn cầu.

>> Châu Á dẫn đầu sự hồi phục toàn cầu?

>> Châu Á đi tìm vai trò mới

Những xu hướng mới của Đông Á

Mặc dù các nước Đông Á có khá nhiều khác biệt về hệ thống kinh tế, chính trị, và trình độ phát triển, khó có thể được xem là một khối đồng nhất, chúng vẫn có một số quan hệ tương tác tích cực, tạo nên một vài xu hướng chung, có thể phân biệt được với các khu vực khác trên thế giới.

Thứ nhất, nhiều nước Đông Á đã và đang tích cực áp dụng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Sự thành công của bốn con hổ châu Á và gần đây nhất là Trung Quốc đã khiến mô hình tập trung xây dựng các ngành xuất khẩu chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng trở nên hết sức hấp dẫn đối với các nước trong khu vực.

Cho dù cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã bộc lộ một số yếu điểm của các nền kinh tế dựa quá nhiều vào xuất khẩu và làm các nước xuất khẩu lớn (như Trung Quốc) phải cố gắng cân bằng lại chiến lược tăng trưởng thông qua việc nâng cao nhu cầu nội địa, chiến lược xây dựng các chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu dường như vẫn còn thích hợp đối với các nền kinh tế nhỏ hơn ở Đông Á.

Thứ nhì, trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu qua nhiều thập niên, các nước trong khu vực đã tạo ra hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là “cái thang phát triển Đông Á”. Mỗi nấc thang tượng trưng cho một trình độ phát triển được thể hiện qua các mặt hàng được sản xuất (để xuất khẩu), từ các mặt hàng thô sơ đến các mặt hàng công nghệ cao và dịch vụ.

Các nước phát triển theo hướng đi lên từng nấc thang, với tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng phát triển kỹ thuật của mỗi nước. Khi một nước bước lên một nấc thang cao hơn thì sẽ có nước khác thế chỗ, tạo ra một đà phát triển chung trong khu vực.

Thứ ba, trước sự trì trệ của vòng đàm phán Doha của WTO và các bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, các nước Đông Á đã đẩy mạnh giao thương với nhau và tăng cường hợp tác khu vực.

Theo thống kê của WTO, hiện có 16 hiệp định thương mại giữa các nước Đông Á với nhau đang có hiệu lực. Các hiệp định lớn như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEPA), và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã tạo ra những liên kết thương mại rộng rãi trong vùng, tạo điều kiện cho các nước này bắt đầu giảm bớt lệ thuộc quá lớn vào các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ.

Có một điều đáng chú ý là sự tăng cường giao thương ở Đông Á được đẩy mạnh một phần cũng là do áp lực cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn hơn trong khu vực trong nỗ lực tranh thủ ảnh hưởng của mình. Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với ASEAN, Nhật Bản đã ký kết bảy hiệp định thương mại tự do song phương với các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Lào, Campuchia, và Myanmar) bên cạnh AJCEPA.

Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn này vẫn tìm cách hợp tác trong sự cạnh tranh. Nhật Bản, Trung Quốc, và Hàn Quốc vừa công bố là họ sẽ tiến hành xem xét khả năng thương lượng một hiệp định thương mại tự do giữa ba quốc gia này.Mở rộng giao thương tất nhiên là một trụ cột quan trọng của chủ nghĩa khu vực đang có xu hướng gia tăng ở Đông Á. ASEAN đang là tâm điểm của quá trình này với các diễn đàn như ASEAN+3 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư gần đây của ASEAN+3 là một bước tiến khả quan trong nỗ lực phát triển thị trường trái phiếu và ngăn chặn bớt các cú sốc tài chính trong khu vực.

Các vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Trước những xu hướng kinh tế ở khu vực như đã nêu ở trên, Việt Nam tất nhiên là trực tiếp bị ảnh hưởng ở cả hai mặt thách thức và cơ hội. Về phương diện thách thức, Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao để thâm nhập tốt vào các thị trường trong khu vực. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thiên nặng về thâm dụng lao động, có hàm lượng công nghệ thấp, và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu từ các nước ASEAN và Trung Quốc để phục vụ cho việc sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu cứ tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng như hiện nay, Việt Nam khó có thể có được những bước đột phá trong tăng trưởng và sẽ gánh chịu nhiều hệ quả tiêu cực về môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, khả năng leo lên những nấc thang tiếp theo trong cái thang phát triển Đông Á của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa được phát triển tốt, dẫn đến chi phí sản xuất và phân phối tương đối cao hơn các nước trong khu vực. Mặc dù trình độ dân trí của Việt Nam là cao so với nhiều nước phát triển khác, hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn chưa đào tạo được một lực lượng lao động với những kỹ năng có thể sẵn sàng đáp ứng rộng rãi được nhu cầu của các nhà sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Việc tham gia vào tiến trình đẩy mạnh tự do hóa thương mại trong khu vực cũng gây ra những khó khăn nhất định đối với Việt Nam. Sự thâm hụt thương mại triền miên và cao một cách báo động cũng đã góp phần tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô. Mức thâm hụt quá cao đối với Trung Quốc là một vấn đề nan giải và là một thử thách rất lớn khi Việt Nam phải cho nhiều mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc vào với thuế nhập khẩu 0% từ năm 2015 theo cam kết trong ACFTA.

Có một điều đáng quan tâm là khu vực nông thôn, nơi mà đa số dân chúng vẫn sinh sống, phải hứng chịu nhiều nhất các hệ quả tiêu cực từ thương mại. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một chương trình để bù đắp cho các thành phần bị thua thiệt do thương mại gây ra. Đây cũng là yếu tố làm tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, có khả năng tạo ra những bất ổn trong tương lai nếu như không có những chính sách giải quyết có hiệu quả.

Đi tìm cơ hội mới

Bất chấp những thách thức đã nêu, các cơ hội dành cho Việt Nam cũng không hề nhỏ. Là một phần của mạng lưới sản xuất Đông Á, Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận dòng chảy vào của FDI để phục vụ xuất khẩu. Nếu biết khéo léo thu hút và sử dụng lượng FDI này thì Việt Nam có thể đẩy mạnh tiến trình chuyển giao công nghệ để có thể leo lên một nấc thang phát triển mới nhanh hơn. Hơn nữa, với sự ổn định chính trị khá cao và một lực lượng lao động trẻ trung và tương đối dễ đào tạo, Việt Nam được xem là một chọn lựa hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ thực hiện chiến lược Trung Quốc+1.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn phát sinh từ giao thương với Trung Quốc, thị trường tiêu thụ rộng lớn và sát vách của Trung Quốc có thể trở thành một điểm đến đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong tương lai nếu như chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có những chính sách và chiến lược cụ thể để tập trung xâm nhập vào các phân khúc hẹp của thị trường rộng lớn này. Các nước như Thái Lan, Malaysia, và Philippines có thặng dư mậu dịch với Trung Quốc, cho nên việc Việt Nam có thể làm được như vậy trong tương lai không phải là vấn đề không thể xảy ra. Cải thiện được cán cân thương mại với Trung Quốc chắc chắn sẽ là một bước tiến rất lớn đối với Việt Nam.

Một điểm tích cực nữa, mặc dù khó đo lường hơn nhưng rất quan trọng, đó là quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam vững tiến hơn trong tiến trình xây dựng các thể chế kinh tế thị trường cũng như một hệ thống pháp lý có khả năng thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách có hiệu suất hơn. Kinh nghiệm phát triển kinh tế ở Việt Nam đã cho thấy rõ ràng là các cơ chế phù hợp hơn với thị trường tự do đã giúp nền kinh tế có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm qua.

Vì quá trình tăng trưởng của Việt Nam bắt đầu từ một điểm khởi đầu khá thấp cho nên Việt Nam vẫn có thể duy trì mức độ tăng trưởng cao nếu có những chính sách tiếp tục thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế một cách có hiệu quả và xây dựng các thể chế phù hợp hơn với các chuẩn mực trong khu vực và toàn cầu.

Hơn nữa, những nỗ lực để tăng cường hội nhập không những làm tăng mức độ tin cậy của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn tích cực hỗ trợ chính sách ngoại giao tổng thể của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa. Với một vị thế đang lên trong khối ASEAN, Việt Nam trở nên tương đối quan trọng hơn đối với các nước muốn tăng cường ảnh hưởng và hợp tác trong khu vực, chẳng hạn như Mỹ. Đây là lá bài chiến lược mà Việt Nam có thể tận dụng để đạt được những mục tiêu của các chính sách ngoại giao và phát triển của mình.

Trong cái nhìn tổng thể, Việt Nam hiện tại có nhiều thuận lợi khi được nằm trong vùng Đông Á đầy năng động. Nếu chính phủ Việt Nam có những chính sách đúng đắn để giải quyết các vấn đề yếu kém nội tại thì Việt Nam có thể có một giai đoạn tăng trưởng mới, nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn sống của người dân.

_______________

(*) Giáo sư Đại học Lasell, Boston

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới