Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam trước vận hội để có kỳ tích mới: Tư duy và cách làm có ý nghĩa quyết định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam trước vận hội để có kỳ tích mới: Tư duy và cách làm có ý nghĩa quyết định

GS. Nguyễn Đức Khương (*)

(KTSG) – Cơ hội để Việt Nam có một kỳ tích kinh tế và trở thành một quốc gia có ảnh hưởng tích cực trong kiến tạo trật tự thế giới mới đang mở ra. Các thách thức thúc đẩy những đột phá trong tư duy và cách làm để đảm bảo độc lập, toàn vẹn chủ quyền và phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội. Khát vọng luôn phải đi kèm quyết tâm cao và hành động mạnh hướng đến kỳ tích. Chúng ta có 5-10 năm tới đây cho một đột phá lịch sử.

Việt Nam trước vận hội để có kỳ tích mới: Tư duy và cách làm có ý nghĩa quyết định
Việt Nam vẫn giữ ổn định trong dịch Covid-19. Ảnh: N.K

Có những thời khắc lịch sử cho những quyết định đột phá…

Ngày 30-4 năm nay đánh dấu cột mốc 46 năm ngày đất nước được thống nhất, và các dân tộc anh em trên mọi miền của Tổ quốc đã bắt tay vào công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước. Nếu so với quá trình phát triển của một đời người thì sau 46 năm chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có được sự từng trải, sâu sắc, và chín chắn. Đây là vốn quý để vươn tới những thành công lớn hơn, nhất là khi thế giới bước vào thập kỷ mới với nhiều biến động, thay đổi khó lường cùng với những thách thức toàn cầu không có lời giải dễ dàng.

Tôi tin rằng Việt Nam cần thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế bao trùm dựa trên tri thức (inclusive knowledge-based economy).

Đó là nền kinh tế mà tất cả các chủ thể đều có thể tiếp cận với các cơ hội kinh tế một cách bình đẳng, có nghiên cứu sâu để phát triển những ngành nghề đem lại lợi thế nhất cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.

Thế giới cũng đang bước vào một thập kỷ mới với bộn bề khó khăn mà dịch Covid-19 tạo ra. Ước tính thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 trong năm 2020 là 4,5% GDP toàn cầu, tương đương 3.940 tỉ đô la Mỹ (lớn hơn quy mô nền kinh tế của nước Đức trong cùng năm).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính có 167/193 quốc gia tăng trưởng âm năm 2020. Nhiều nhà lãnh đạo đương thời như Thủ tướng Anh Boris Johnson, hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cập đến việc chính phủ của họ phải thực hiện những giải pháp, chính sách chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Tác động, ảnh hưởng của nó đến mọi mặt của chính trị, kinh tế, và xã hội toàn cầu sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Nếu làm một phép so sánh “không hoàn hảo” thì toàn thế giới đang trong “Thế chiến thứ 3” khi tất cả các nước đều phải chiến đấu chống lại virus Corona – một “sức mạnh của tự nhiên”, để tìm đến điểm cân bằng mới.

Sau Thế chiến thứ 2, một số quốc gia đã vươn lên trở thành những cường quốc, trong một môi trường phức tạp của chiến tranh lạnh. Điển hình là các nước Đức, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Mỗi nước đã chủ động tìm ra thế mạnh, sự khác biệt để phát huy, dựa trên bản sắc văn hóa và nguồn lực con người của mình.

Khi đang giữ được nền tảng ổn định ấn tượng, Việt Nam đang có một vận hội không thể tốt hơn để khẳng định vị thế, vai trò và cơ đồ tương lai của dòng dõi Lạc Hồng.

Việt Nam cần một định vị chiến lược cho tầm nhìn 2045

Trong một thế giới mà không tồn tại rủi ro bằng 0 thì một cơ chế cho phép sự thất bại của tập thể và cá nhân khi đưa ra những quyết định vì lợi ích dân tộc và đất nước là hết sức cần thiết.

Đây là điều kiện để các sáng kiến và đổi mới sáng tạo được thử nghiệm, được đưa vào thực hiện, và khi thành công có thể được lan rộng.

Để phát triển tốt thì ưu tiên hàng đầu là định vị nước ta như thế nào để tránh bị mắc kẹt trong “thế trận” tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường, mà vẫn đảm bảo được sự toàn vẹn chủ quyền, có năng lực phòng thủ cao, có tiếng nói đối với các vấn đề toàn cầu.

Một trật tự kinh tế – chính trị thế giới mới đang dần định hình từ đầu thập kỷ vừa qua. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về cả kinh tế, ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ đang không chỉ đe dọa vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ mà còn là nguy cơ cho toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia, cũng như sự ổn định và phát triển hòa bình của khu vực và thế giới.

Mỹ đối mặt với sự phân hóa xã hội kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống và mất sự ủng hộ của nhiều nước đồng minh. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trên nền của cạnh tranh công nghệ, cạnh tranh vị thế siêu cường đang dần đưa hai nước đến vị trí đối địch. Liên minh châu Âu (EU) cũng mất đi sự đoàn kết và sức mạnh sau cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nhập cư và Brexit.

Các nước đều đang phải điều chỉnh chiến lược phát triển của mình trong môi trường “vừa hội nhập, vừa tìm cách ít phụ thuộc vào bên ngoài”. 

Nằm ở cửa ngõ chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương – điểm giao thoa ảnh hưởng của nhiều nước lớn và có nguy cơ xung đột vũ trang cao, Việt Nam nên chủ động lựa chọn đặt mình trong nhóm các nước có vai trò lãnh đạo, chủ động tiên phong trong các vấn đề toàn cầu, trung gian cân đối ảnh hưởng và lợi ích trong một thế giới phân cực.

Điểm tựa của định vị chiến lược này dựa trên tăng cường sức mạnh nội tại (năng lực sản xuất, trình độ phát triển công nghệ bậc cao, chất lượng nguồn lực con người), chủ động trong các vấn đề toàn cầu (chống biến đổi khí hậu, hợp tác đa phương, nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế). Và xác lập được thương hiệu Việt Nam.

Mô hình và tiềm lực kinh tế quyết định sự thành bại của định vị chiến lược

Khi định vị tổng thể của nước ta được lựa chọn, ưu tiên hàng đầu là một định vị kinh tế, và một mô hình đột phá cho phát triển kinh tế.

Trong báo cáo năm 2017 của mình (Tầm nhìn dài hạn: trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2050?), tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới PWC dự báo Việt Nam nằm vị trí số 29 và số 19 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 và 2050, xét về tổng thu nhập quốc dân theo sức mua tương đương (có tính đến sự khác biệt về mức sống người dân giữa các nước).

Với khả năng giữ ổn định trong dịch Covid-19, trong khi các nước khác tăng trưởng rất thấp hoặc âm, chúng ta có thể hướng tới một vị trí tốt hơn thế. Năm 1988, hai năm sau chính sách “Đổi mới”, số liệu của IMF cho thấy quy mô nền kinh tế của nước ta (25,42 tỉ đô la) nhỉnh hơn quy mô nền kinh tế của Singapore (25,37 tỉ đô la).

Bỏ qua những thăng trầm, khó khăn và thách thức của thời kỳ tiền đổi mới với ảnh hưởng sâu rộng của các cuộc chiến tranh liên tiếp, Việt Nam – với 340,8 tỉ đô la tổng thu nhập quốc dân – một lần nữa vượt quy mô kinh tế của Singapore (339,9 tỉ đô la) vào năm 2020 theo báo cáo IMF Economic Outlook tháng 4-2021, và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của Asean (sau Indonesia, Thái Lan và Philippines).

Không chỉ quy mô và chất lượng của phát triển là những quan tâm hàng đầu của người dân, chúng ta có thể làm được hơn thế khi xác định được rõ ràng một mô hình kinh tế. Nó giúp hoạch định tốt những vấn đề trọng tâm đầu tư và huy động nguồn lực.

Thế giới và trong nước đang theo đuổi những xu hướng kinh tế lớn như “kinh tế xanh”, “kinh tế số”, “kinh tế đổi mới sáng tạo”, “kinh tế chia sẻ”… Tôi tin rằng Việt Nam cần thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế bao trùm dựa trên tri thức (inclusive knowledge-based economy). Đó là nền kinh tế mà tất cả các chủ thể đều có thể tiếp cận với các cơ hội kinh tế một cách bình đẳng, có nghiên cứu sâu để phát triển những ngành nghề đem lại lợi thế nhất cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.

Đó cũng là nơi mà sự kết hợp hài hòa, gắn kết giữa vai trò của “nhà nước, thị trường và xã hội” sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mạnh, bền vững và bao trùm. Quản trị nhà nước trong vai trò của người kiến tạo chính sách, định hướng các “cuộc chơi lớn”, định hướng giá trị và chất lượng phát triển. Các ngành thâm dụng tài nguyên và không đem lại giá trị gia tăng ở phạm vi quốc gia như bất động sản sẽ không phải là ưu tiên.

Tri thức luôn là nguồn tài nguyên vô hạn và là nguồn gốc của mọi tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tri thức càng được sử dụng thì càng được tinh luyện, phát triển, và mở rộng. Ở thời điểm này, tri thức có thể được kết nối toàn cầu, không có biên giới thông qua nhiều nền tảng mở, học hỏi từ xa.

Đi như thế nào?

Trong 76 năm trở lại đây, chúng ta đã có những thắng lợi lịch sử được cả thế giới ngưỡng mộ, để bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Những thắng lợi đó là kỳ tích nếu như tính đến những gì ông cha ta có vào thời đó. Rõ ràng nền tảng hiện nay của chúng ta hoàn toàn cho phép tiến đến một kỳ tích kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta đã sẵn sàng cho những thay đổi, cho những cải cách đột phá để viết lên một trang sử hào hùng mới trong xây dựng và phát triển kinh tế của dân tộc ta?

Chúng ta cần một tuyên ngôn phát triển mới, và nằm ở vị trí trung tâm là con người – chủ thể và động lực của sự phát triển. Một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu cần có những lãnh đạo xuất sắc, được đào tạo có khả năng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, nhiệm vụ được đặt ra.

Ở cấp độ một đất nước thì càng cần có sự chuẩn bị từ rất sớm để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài kiệt xuất, xứng tầm với thách thức của dân tộc, thời đại, khu vực và quốc tế. Mô hình phát triển bao trùm dựa trên tri thức cần sức mạnh tổng hợp từ toàn dân, và sớm hay muộn thì việc lựa chọn nhân tài phụng sự đất nước cũng cần mở rộng đến xã hội. Con người vẫn là chìa khóa để hệ thống đổi mới và đi lên.

Tiếp đến, trong một thế giới mà không tồn tại rủi ro bằng 0 thì một cơ chế cho phép sự thất bại của tập thể và cá nhân khi đưa ra những quyết định vì lợi ích dân tộc và đất nước là hết sức cần thiết. Đây là điều kiện để các sáng kiến và đổi mới sáng tạo được thử nghiệm, được đưa vào thực hiện, và khi thành công có thể được lan rộng.

Các vấn đề cơ bản cần được ưu tiên bao gồm việc hoạch định một chiến lược phát triển các ngành nghề kinh tế chủ đạo, các cụm kinh tế cạnh tranh với lõi là các trung tâm R&D và đổi mới sáng tạo, hạ tầng và cơ chế kết nối chuỗi động lực kinh tế vùng miền, và hợp tác phát triển kinh tế gắn với phát triển công nghệ, an ninh an toàn khu vực – quốc tế, và chống biến đổi khí hậu 

Trong thế kỷ 21, thành công của một quốc gia sẽ được quyết định rất nhiều bởi năng lực khai phá và kết nối nguồn lực, đặc biệt là con người, tri thức, và công nghệ. Một quốc gia mà ai cũng dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm thì tương lai của quốc gia đó sẽ sáng sủa. Xác định mình là nhân tố tiên phong thì quốc gia đó cũng phải đi đầu trong phát triển bền vững, lấy hạnh phúc của người dân, môi trường sống sạch và chất lượng phát triển con người để làm mục tiêu hành động và cải tiến mỗi ngày.

(*) Giáo sư tài chính, IPAG Business School (Paris), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu
(AVSE Global)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới