Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam và “độ trễ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam và “độ trễ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) –  Sau "gợi ý" của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter hôm 13-5 về việc các công ty ở Trung Quốc muốn tránh mức thuế cao mà Mỹ dự định áp lên hàng hóa nước này thì có thể dịch chuyển qua Việt Nam và các nước khác ở châu Á, các cơ sở cho thuê hạ tầng ở Việt Nam chờ đợi với nhiều thái độ khác nhau.

Việt Nam và “độ trễ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Việt Nam đang chờ đợi những tác động dịch chuyển sản xuất trong chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Nhưng cơ hội là chưa rõ nét. Ảnh:TL

Kế hoạch đánh thuế lên 300 tỉ đô la hàng hóa từ Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra nếu được thực thi sớm nhất sẽ bắt đầu vào cuối tháng 6 tới, sau thời điểm Tổng thống Donald Trump dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh khối G20 (28 và 29-6 tại Osaka, Nhật Bản).

Trên thực tế không phải đến thời điểm này, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mới khiến các dòng vốn đầu tư, các doanh nghiệp và các nền kinh tế phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn.

Ngay từ thời điểm tháng 11-2018, khi Mỹ bắt đầu áp thuế 50 tỉ đô la đầu tiên cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cộng thêm đợt đánh thuế thứ hai trị giá 16 tỉ đô la có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử bắt đầu tìm các cứ điểm sản xuất xa hơn để giảm áp lực về chi phí.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle tại thời điểm tháng 11-2018, giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc tăng lên, đẩy Việt Nam trở thành một lựa chọn so sánh về việc đặt cứ điểm sản xuất.

Điều này được ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ (Hải Phòng) đặt hy vọng khi chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 11-5 vừa qua. Là chủ đầu tư của KCN Nam Đình Vũ rộng 1.329 ha và mới lấp đầy được hơn 60% diện tích cho giai đoạn 1, ông cũng muốn thu hút các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử vào đây.

Sự thuận tiện của nơi này là có trung tâm logistics đáp ứng được đủ nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, có cảng biển liên doanh với Gemadept tiếp nhận được tàu 3000-4000 TEU…

“Từ cuối năm 2018 trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm hiểu cơ hội thuê đất, chuyển cơ sở sản xuất từ đại lục về Việt Nam có tăng lên nhiều hơn trước”, ông Phương nói.

Ông Phương đã từng nghĩ rằng, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nên sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư vào địa chỉ có lợi thế về giá thuê, nhân công rẻ hơn cũng như “né” được thuế áp cho các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, qua Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ nét. Tuy nhiên, đến nay thực tế chưa có một cuộc dịch chuyển đầu tư mang ý nghĩa ồ ạt nào.

Tại Hải Phòng, có lợi thế gần cảng biển, tập trung rất nhiều KCN và các trung tâm logistics lớn nhỏ, các doanh nghiệp Trung Quốc và Hong Kong là chủ đầu tư hai dự án lớn là KCN An Dương và KCN Đồ Sơn. Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đều chọn địa điểm đặt căn cứ sản xuất nhiều nhất trong hai KCN này. Do vậy, các KCN khác vẫn phải cạnh tranh quyết liệt với hai KCN của các nhà đầu tư Trung Quốc nếu muốn đón dòng vốn dịch chuyển một phần từ Trung Quốc qua Việt  Nam.

Một chủ đầu tư hàng loạt dự án KCN tại Hưng Yên, nơi có giá thuê đất thấp hơn Hải Phòng cũng nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng: “Việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam là có cơ sở, nhưng cần phải có độ trễ thời gian mới biết được thực tế mức độ đến đâu”. Theo ông, đến tháng 6 tới, dự kiến mới thông qua các quyết định đánh thuế cho hàng hóa xuất từ Trung Quốc và các doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đô la cho một cứ điểm sản xuất không dễ gì ra những quyết định “một sớm, một chiều”.

Bằng chứng là trong suốt nửa cuối năm 2018 đến nay, KCN của ông mới có một doanh nghiệp sản xuất điện tử từ  Trung Quốc dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên quy mô doanh nghiệp nhỏ chứ chưa phải doanh nghiệp lớn. Và các doanh nghiệp khác mới chỉ dừng ở mức tìm hiểu cơ hội đầu tư, dù cho “thảm đỏ” tại các KCN ở Việt Nam đã luôn trải sẵn.

Những chủ đầu tư hạ tầng lớn cũng tỏ ra thận trọng khi đánh giá sự dịch chuyển dòng vốn. Bởi lẽ, bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa rõ sẽ kéo dài bao lâu và dự kiến áp thuế đối với 300/550 tỉ đô hàng hóa từ Trung Quốc mới chỉ là hơn phân nửa lượng hàng từ Trung Quốc “đổ” vào Mỹ hàng năm. Do đó, các quyết định dịch chuyển hay không phải dựa trên nhiều yếu tố, chứ không chỉ việc đánh thuế là lập tức doanh nghiệp tính đến việc rời bỏ thị trường.

Và vấn đề của các doanh nghiệp ở Việt Nam, cũng không phải là ngồi chờ để chỉ đợi sự “may, rủi” của các quyết định đánh thuế hay chiến tranh thương mại.

Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu 2018 và dự báo 2019 của Bộ Công Thương cho biết, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đến thị trường nhập khẩu từ các nước vào Mỹ cuối năm 2018, trong đó cũng có hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, xét riêng năm 2018, hàng xuất từ Việt Nam vào Mỹ vẫn tăng 14,22%, cao gần gấp đôi năm trước đó. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực và thặng dư thương mại cao nhất đối với nước ta trong 10 năm qua.

Kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước năm 2018 đạt khoảng 60,28 tỉ đô la. Việt Nam thặng dư trong trao đổi thương mại với Mỹ lên đến 34,78 tỉ đô la vào cuối năm 2018; xuất vào Mỹ 47,53 tỉ đô la và nhập 12,75 tỉ đô la. Việt Nam xuất qua Mỹ các sản phẩm dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, đồ gỗ…, trong số này, xuất khẩu dệt may có kim ngạch lớn nhất với 13,7 tỉ đô la.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới