Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam và EU công bố kết thúc đàm phán FTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam và EU công bố kết thúc đàm phán FTA

Tư Giang

Việt Nam và EU công bố kết thúc đàm phán FTA
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (bên phải) và Đại sứ Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được sự thống nhất về nguyên tắc đối với hiệp định thương mại tự do sau hai năm rưỡi đàm phán tích cực.

Tại buổi họp báo chung công bố kết thúc cơ bản đàm phán hiệp định thương mại tư do Việt Nam – EU (EVFTA) tổ chức chiều 4-8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “FTA Việt Nam-EU là một trong những hiệp định thương mại có chất lượng cao nhất của Việt Nam.”

Cuộc họp báo được tổ chức sau cuộc điện đàm vào sáng nay giữa Bộ trưởng Hoàng và Cao ủy Thương mại của EU, Bà Cecilia Malmstrom. Thông cáo từ EU khẳng định, tất cả các vấn đề quan trọng đã được nhất trí và cả hai bên đã đạt được một gói cam kết cân bằng và cùng có lợi.

Bộ trưởng nói: “Trong đàm phán hai bên đã linh hoạt trên nguyên tắc xây dựng, hai bên cùng có lợi. EU đã dành cho Việt Nam những ưu đãi trong quá trình đàm phán để tạo điều kiện cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực có lộ trình phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp việc thực thi hiệu quả hiệp định”.

“Việc ký kết EVFTA sẽ giúp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu với tư cách là một nền kinh tế thị trường,” ông nói. Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế.

Cao ủy Thương mại, bà Malstrom nói: "Chúng ta đã có một thỏa thuận …Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và một khi hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho doanh nghiệp của cả hai phía thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ.”

Bà nói, có khoảng 31 triệu việc làm ở Châu Âu phụ thuộc vào việc xuất khẩu, do đó việc có được sự tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường mới nổi và phát triển nhanh như Việt Nam, một nước có tới 90 triệu người tiêu dùng, là một tin tức hết sức tốt lành.

“Đồng thời những nhà xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ có được sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với thị trường EU khi xuất khẩu các sản phẩm của mình, góp phần mang lại một sự thúc đẩy quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Cả hai bên đã phải có những nỗ lực rất lớn trong một vài tháng gần đây để có thể có được bước đột phá này."

Trên cơ sở hiệp định của ngày hôm nay, các nhóm đàm phán sẽ tiếp tục tiến trình và giải quyết những vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời hoàn thiện văn kiện Hiệp định. Khi đã được hoàn thiện thì Hiệp định sẽ cần phải được Hội đồng và Nghị viện Châu Âu thông qua.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, về xuất nhập khẩu, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam- EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.

Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo rằng một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.

Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v… cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng. Mặt khác, các cam kết này cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan; tuy nhiên về cơ bản việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam nên về lâu dài sẽ mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan của đất nước.

Để những lợi ích này sớm được hiện thực hóa, hai bên thống nhất sẽ đẩy nhanh quá trình tổng hợp các nội dung kỹ thuật để có thể sớm kết thúc toàn bộ Hiệp định ngay trong năm nay, tiến tới sớm thực hiện các thủ tục ký kết, phê chuẩn Hiệp định.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2013; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 28 tỉ đô la và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỉ đô la. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỉ đô-la Mỹ. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới