Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam xây khu CN hỗ trợ đầu tiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam xây khu CN hỗ trợ đầu tiên

Quốc Hùng

Khởi công khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản ngày 27-4. Ảnh: Hữu Thông

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) – chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) ngày 27-4 đã khởi công khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản đầu tiên.

Dự án được xây dựng trên diện tích 16 héc ta tại khu công nghiệp Quế Võ này là một phần thực hiện chương trình hợp tác toàn diện Việt Nam – Nhật Bản. Chương trình do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cùng UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp.

Việc khu công nghiệp Quế Võ được lựa chọn là nơi đầu tiên để thực hiện chương trình hợp tác này vì nhiều năm khu vực này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản vào đầu tư như tập đoàn Canon (xây dựng nhà máy in laser lớn nhất thế giới), Tenma, Toyo Ink, Sanyo, Yamato Industries… cũng có nhà máy tại đây. 

Sau 5 năm thành lập, khu công nghiệp Quế Võ đã thu hút khoảng 1 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng cường thu hút các ngành công nghệ cao vào Việt Nam, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế giữa hai nước.

Phía Nhật Bản cam kết trong năm 2009 sẽ đưa 50 doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản với vốn đầu tư dự kiến hơn 100 triệu đô la Mỹ vào hoạt động tại khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp này cũng hy vọng các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ góp phần cho việc hợp tác phát triển công nghiệp phụ trợ tại đây.

Theo kế hoạch, cũng trong năm 2009 sẽ mở thêm 1 khu khác trong hệ thống các khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản và trong năm 2010 sẽ tiếp tục lựa chọn địa điểm phát triển thêm 3 khu trong hệ thống các khu công nghiệp của Kinh Bắc.

Từ năm 2007, Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) soạn thảo với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản trong khuôn khổ “Sáng kiến chung Việt-Nhật” và được Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch này đã khẳng định rõ công nghiệp hỗ trợ (công nghiệp phụ trợ) là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là nền tảng cho việc phát triển bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn đến 2020, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Hiện nay, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp các linh kiện, thiết bị điện tử, sản xuất ô tô, xe máy… ở Việt Nam còn rất yếu. Điều này đã khiến rất nhiều tập đoàn lớn đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư còn nhiều băn khoăn và chưa dám đưa ra quyết định đầu tư.

Theo các chuyên gia kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Đây cũng chính là mục tiêu để phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia tại các diễn đàn về công nghiệp hỗ trợ cũng cảnh báo rằng, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng rào thuế quan các mặt hàng và linh kiện giảm xuống, các nhà sản xuất lâu nay chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp sẽ chuyển hướng nhập hàng nguyên chiếc về kinh doanh, vì Việt Nam không có lợi thế về công nghiệp phụ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ còn là con đường để công nghiệp Việt Nam hội nhập vào công nghiệp khu vực và thế giới thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp Việt Nam Phan Đăng Tuất tại một hội thảo cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam trong việc tìm đối tác để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Qua nghiên cứu và khảo sát thực tiễn, ông Tuất cho biết tại Nhật Bản có tới hơn 200 khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, ở đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa với công nghệ cao sẽ liên kết chặt chẽ và tham gia một cách hiệu quả vào việc cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho các tập đoàn lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới