Việt Nam xuất khẩu xi măng và clinker tăng 50%
Lê Hoàng
(KTSG Online) – Ngành sản xuất xi măng, clinker trong nước trong 5 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu đến 19,26 triệu tấn, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu xi măng và clinker tăng 50% trong 5 tháng. Ảnh minh họa: Trang web Cục Phòng vệ thương mại |
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, ước tiêu thụ xi măng đạt khoảng 10,79 triệu tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 6,49 triệu tấn, xuất khẩu ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn.
Tính chung từ đầu năm đến nay, ước tiêu thụ khoảng 45,83 triệu tấn xi măng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 26,57 triệu tấn, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu xi măng, clinker đạt con số khá ấn tượng khoảng 19,26 triệu tấn và tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2020, riêng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) xuất khẩu khoảng 8,87 triệu tấn.
Nhìn chung những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng cao cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Chưa công bố số liệu 5 tháng nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay giá giá trung bình xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đạt 37,7 đô la/tấn.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất, đạt 7,38 triệu tấn, tương đương 257,93 triệu đô la Mỹ, chiếm 49,4% trong tổng lượng và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt trung bình 35 đô la/tấn.
Năm 2020, thị trường trong nước tiêu thụ 62,12 triệu tấn sản phẩm, xuất khẩu hơn 38 triệu tấn, đánh dấu là năm có sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu kỷ lục từ trước tới nay. |
Xi măng xuất khẩu sang Philippines, thị trường lớn thứ 2 trong 4 tháng, đạt 2,51 triệu tấn, tương đương 111,7 triệu đô la, giá 44,5 đô la/tấn, tăng đến 57,3% về lượng, tăng 47,3% kim ngạch, nhưng giảm 6,4% về giá, chiếm 16,8% trong tổng lượng và chiếm 19,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước.
Thị trường lớn thứ 3 là Bangladesh, chiếm 12,5% trong tổng lượng và chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch xi măng và clinker xuất khẩu của cả nước, đạt 1,87 triệu tấn, tương đương hơn 63 triệu đô la, tăng 38% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ. Hay Peru đạt hơn 288 ngàn tấn, giá trị gần 12,2 triệu đô la tăng hơn 24% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường khác nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam gồm có Malaysia, Đài Loan, Úc, Inonesia, Lào,…
Với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất còn lớn hơn, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường trong khu vực. Trên toàn cầu, Việt Nam đang xếp thứ 5 về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Theo mục tiêu trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, lĩnh vực xi măng, các dây chuyền đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đến năm 2030 là 24 dây chuyền, với tổng công suất 36,31 triệu tấn. Như vậy, dự kiến đến năm 2030, cả nước có 109 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 140,35 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, sản lượng clinker và xi măng sản xuất năm 2020 của ngành đạt khoảng 104 triệu tấn, nhưng tiêu thụ đạt 100 triệu tấn, trong đó có 62 triệu tấn bán tại nội địa, 38 triệu tấn còn lại là xuất khẩu.
Theo Bộ Xây dựng, với hiện trạng của ngành xi măng, các địa phương khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất cần cân nhắc, tránh việc đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Lĩnh vực này phải thực hiện theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế việc đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các thành phố lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ.
Mời đọc thêm:
Philippines khởi xướng điều tra chống bán phá giá xi măng của Việt Nam