Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam xuất siêu linh kiện phụ tùng ô tô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam xuất siêu linh kiện phụ tùng ô tô

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Dù tỉ lệ nội địa hóa phụ tùng linh kiện xe ô tô trong nước được đánh giá là khá thấp, nhưng Việt Nam lại đang xuất siêu nhóm mặt hàng này với giá trị xuất khẩu hàng tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, đóng góp cho nguồn thu ngoại tệ này chủ yếu là nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Việt Nam xuất siêu linh kiện phụ tùng ô tô
Một doanh nghiệp nước ngoài sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, đến từ Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo chuyên đề: "Công nghiệp Hỗ trợ trong cách mạng công nghiệp 4.0", nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018” vào ngày 13-3 do Sở Công Thương TPHCM tổ chức.

Theo bà Thúy, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong năm qua của Việt Nam đạt 2,3 tỉ đô la nhưng nhập khẩu phụ tùng linh kiện của nhóm mặt hàng này lại lên đến 3,5 tỉ đô la.

Đáng chú ý cùng thời gian trên, cả nước xuất khẩu nhóm mặt hàng phụ tùng linh kiện ô tô đạt đến 4,4 tỉ đô la. Như vậy, riêng năm 2017, Việt Nam xuất siêu được 900 triệu đô la cho nhóm mặt hàng này.

Sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất ở Việt Nam được xuất đi hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, theo bà Thúy, nhiều nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển đã nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam.

Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam, chiếm đến 42% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Thị trường Mỹ nhập khẩu nhóm mặt hàng này lớn thứ hai của Việt Nam đạt 16% tổng kim ngạch, trong khi thị trường Trung Quốc lớn thứ ba chiếm 9%; Hàn Quốc là 6% và Thái Lan là 5%.

Hay đất nước có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới là Đức cũng nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô từ Việt Nam đạt khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam.

Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu cũng có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn… Tuy nhiên, theo bà Thúy, hầu hết các linh kiện phụ tùng này là do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp sản xuất và xuất khẩu, không có doanh nghiệp thuần trong nước tham gia.

Nhà sản xuất nước ngoài nhìn thấy lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động dồi dào của Việt Nam nên đã đầu tư xây nhà máy sản xuất để xuất khẩu, bà Thúy nhận định.

Tuy nhiên, so với Thái Lan và các nước khác trong khu vực, các nhà cung cấp tại chỗ phục vụ cho ngành ô tô trong nước còn quá ít. Cụ thể theo bà Thúy, Việt Nam có đến 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3; trong khi đó, Thái Lan có 16 doanh nghiệp lắp ráp ô tô nhưng có đến 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Qua nghiên cứu, bà Thúy cho biết phải mất đến 5 năm kể từ khi doanh nghiệp tiếp xúc tìm hiểu và phát triển để đạt yêu cầu của nhà sản xuất mới có thể trở thành nhà cung cấp cho các nhà lắp ráp, sản xuất ô tô.

Không riêng ngành công nghiệp ô tô, theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, ông Nguyễn Phương Đông, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp của thành phố; các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu cung ứng trong nước, chỉ có một số ít cung ứng cho các doanh nghiệp FDI.

Sở Công Thương đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để có thể hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nhà cung ứng, đối tác tiêu thụ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ, cung cấp các thông tin còn thiếu, không đầy đủ, chi tiết về hình ảnh, thông số kỹ thuật các sản phẩm của doanh nghiệp mình, gây khó khăn trong việc xây dựng được cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh.

Sau hơn một năm xây dựng, hiện Sở Công Thương TPHCM mới cập nhật được thông tin, cơ sở dữ liệu của hơn 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Chương trình 'Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018 – (SFS 2018)' tổ chức tại TPHCM từ ngày 13-3 đến 14-3 với sự tham gia các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử như Samsung, Toshiba, Tiger Vietnam, Asanzo, DLG Ansen Electric…; lĩnh vực ô tô, xe tải như Mitsubishi, Samco, Vĩnh Phát Motor, Ô tô Việt… và cơ khí chế tạo như Bosch, Schindler, Datalogic, SCSI, Juki, Fuji Impulse…

Danh mục hàng hóa tìm kiếm gồm 250 chi tiết linh kiện/cụm linh kiện dùng cho các sản phẩm điện thoại, máy photocopy, thang máy, xe tải, xe buýt, xe chuyên dùng, đồ điện gia dụng…

Đây là hoạt động nhằm tăng tính liên kết trong chuỗi cung ứng, là một trong những giải pháp quan trọng cho bài toán phát triển công nghiệp bền vững, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ có cơ hội tiếp cận với các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mời đọc thêm:

>>> TPHCM chuyển hướng sang công nghiệp hỗ trợ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới