Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VietBank: chất lượng dịch vụ sẽ tạo sự khác biệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VietBank: chất lượng dịch vụ sẽ tạo sự khác biệt

Lễ ký cam kết hỗ trợ toàn diện giữa đại diện ACB và VietBank hôm khai trương chi nhánh của VietBank tại TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG) – Trong bối cảnh năm 2009 được đánh giá là năm khó khăn cho doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng, thì VietBank lại quyết định phát triển mạnh hoạt động của mình. Lãnh đạo của ngân hàng này cho rằng cần năng động và có một chiến lược riêng để phát triển trong giai đoạn này.

Hôm 26-2 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) khai trương chi nhánh tại Hà Nội. Đây là chi nhánh thứ hai trên toàn quốc của ngân hàng này sau chi nhánh đầu tiên tại TPHCM khai trương hôm 18-2.

Nhận giấy phép hoạt động vào cuối năm 2006 trên cơ sở khôi phục hoạt động của Ngân hàng nông thôn Phú Tâm, VietBank mất hai năm để chuẩn bị cơ sở vật chất lẫn nhân lực cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động ra cả nước.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch HĐQT VietBank, thừa nhận việc mở rộng hoạt động trong năm 2009 cũng là một thách thức cho một ngân hàng mới và nhỏ như VietBank. “Tuy nhiên, việc thành lập một ngân hàng thương mại là một chiến lược dài hạn, không phải đầu tư ngắn hạn, và việc mở rộng mạng lưới nằm trong chiến lược phát triển đó. Do đó, chúng tôi không thể không mở rộng hoạt động của mình”, ông Hưng nói. Kế hoạch của VietBank là đến cuối năm sẽ có 30 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Ngoài ảnh hưởng do khó khăn chung của nền kinh tế, VietBank còn bắt đầu “sự nghiệp” của mình với số kinh nghiệm ít ỏi trong việc triển khai các nghiệp vụ của ngân hàng.

Hai năm qua, VietBank chỉ hoạt động trong phạm vi tỉnh Sóc Trăng với số nghiệp vụ hạn hẹp, nay mở rộng hoạt động ra các thành phố lớn, triển khai các dịch vụ ngân hàng dưới một thương hiệu mới cũng là một thách thức cho ngân hàng này khi rất nhiều ngân hàng thương mại tên tuổi khác đã ghi dấu ấn rộng rãi ở các thành phố lớn.

VietBank hướng đến khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với những cách thức tiếp cận riêng, cùng với các sản phẩm tiện ích phù hợp.

Ông cũng tự tin khi nói về thế mạnh của VietBank để có thể cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay. Thế mạnh lớn của VietBank là có các cổ đông sáng lập là các tổ chức với tiềm lực tài chính mạnh, vì vậy ngân hàng mới dễ dàng tăng vốn từ 500 tỉ lên 1.000 tỉ đồng vào cuối năm ngoái. Một cổ đông sáng lập đóng vai trò quan trọng với VietBank là Ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng hàng đầu trong khối các ngân hàng cổ phần hiện nay. ACB đã cam kết hỗ trợ VietBank mọi mặt về hoạch định chiến lược, phát triển sản phẩm và kinh doanh, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực…

Ông Hưng cho biết hệ thống công nghệ của VietBank đã sẵn sàng để triển khai tất cả các sản phẩm ngân hàng hiện có trên thị trường. Thêm vào đó, nhân sự chủ chốt của VietBank đều là những người có kinh nghiệm điều hành ở các tổ chức tài chính khác. Điều đó sẽ giúp VietBank tránh được những sai lầm mà các tổ chức khác đã từng mắc phải.

Ông Hưng cũng cho biết, để phát triển trong thị trường hiện nay, VietBank cần phải tạo sự khác biệt đối với các ngân hàng khác. Một trong những sự khác biệt đó chính là chất lượng dịch vụ của ngân hàng. Là một ngân hàng mới với số lượng khách hàng còn ít, VietBank sẽ có thời gian tìm hiểu và chăm sóc tất cả các khách hàng dù lớn hay nhỏ của mình.

Ông Hưng cho biết, đối với các khách hàng mục tiêu là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa, VietBank sẽ thực hiện các chiến dịch tiếp thị trực tiếp đến từng khách hàng. Ông cho rằng nếu cần, nhân viên tín dụng có thể yêu cầu ông đi gặp một khách hàng nào mà họ cảm thấy quan trọng với ngân hàng. “Đó cũng là một thế mạnh của VietBank vì chúng tôi có thể hiểu rõ khách hàng cần gì và cung cấp cho họ những dịch vụ hợp lý nhất, điều mà các ngân hàng lớn khó có thể làm được”, ông Hưng nói.

Chính sách tín dụng của VietBank được xây dựng trên cơ sở hiểu rõ về khách hàng, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng với các nguồn lực hiện có của VietBank.

Kết thúc năm 2008, trong tổng dư nợ 217,74 tỉ đồng của mình, VietBank chỉ có 0,43% là nợ quá hạn mà theo ông Hưng là có thể thu hồi được. Ông Hưng cho biết quan điểm tín dụng của VietBank trên hết vẫn là an toàn nhưng khác với ACB, vì là ngân hàng nhỏ, nên VietBank có thể năng động hơn trong chính sách tín dụng với từng khách hàng.

VietBank đã đặt ra mục tiêu là trong ba năm tới sẽ trở thành một ngân hàng cỡ trung bình trên thị trường. Tham vọng này của VietBank có lẽ không phải quá xa vời khi chỉ hoạt động ở địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhưng năm 2008, VietBank đã đạt lợi nhuận 22,4 tỉ đồng, một con số ngang bằng với một số ngân hàng nhỏ có mạng lưới hoạt động rộng hơn.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới