Thứ Năm, 30/03/2023, 05:07
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Vietcombank chưa có hồi kết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vietcombank chưa có hồi kết

Hải Lý

Các nhà đầu tư tại buổi IPO của Vietcombank. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ngày cuối cùng của năm ngoái, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Để tránh sự tác động đến chỉ số thị trường chứng khoán do vốn điều lệ của ngân hàng quá lớn (12.100 tỉ đồng), Vietcombank chỉ xin niêm yết 112,2 triệu cổ phiếu, trị giá 1.122 tỉ đồng mệnh giá, bằng 9,28% vốn điều lệ.

Bốn tháng trôi qua, mặc dù đã được chấp thuận niêm yết về mặt nguyên tắc và còn phải bổ sung một số giấy tờ, Vietcombank vẫn chưa chính thức niêm yết trong quí 2 này. Gần đây nhất, trong đại hội cổ đông năm 2009, lãnh đạo ngân hàng cho biết việc lên sàn dự kiến sẽ diễn ra trong quí 3.

Nguyên nhân sâu xa của sự chậm trễ niêm yết không phải ở thủ tục hồ sơ, mà ở sự sụt giảm giá cổ phiếu Vietcombank trên thị trường OTC. Ngoài ra, Vietcombank muốn lùi thời hạn niêm yết để xin Chính phủ cho phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (trừ cổ đông nhà nước).

Các doanh nghiệp khác có được làm như Vietcombank?

Vietcombank đề nghị được phát hành thêm số cổ phiếu tương đương 9,28% vốn điều lệ, đúng bằng lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết. Có nghĩa là nếu nhà đầu tư đang nắm giữ 1 cổ phiếu Vietcombank sẽ có điều kiện sở hữu thêm 1 cổ phiếu nữa.

Trong trường hợp được chấp thuận và giá phát hành bằng mệnh giá, thì những người đã tham gia IPO ngân hàng sẽ giảm được giá cổ phiếu từ 107.572 đồng xuống 58.786 đồng/cổ phiếu.

Giá này vẫn còn cao hơn giá giao dịch cổ phiếu Vietcombank trên thị trường OTC, nhưng nó đã rút bớt đáng kể sự chênh lệch giữa giá IPO và giá OTC hiện tại. Tuy nhiên, đề nghị được phát hành thêm cổ phiếu theo cách của Vietcombank là chưa có tiền lệ, đi ngược lại các quy định về cổ phần hóa.

Lý do chính giải thích cho việc tăng vốn từ phía ngân hàng là nâng vốn điều lệ, nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn 8% theo thông lệ quốc tế. Hệ số này của ngân hàng, theo Vietcombank, đang giảm từ 11,2% năm 2007 xuống 8,9% năm 2008. Giảm là bởi tổng tích sản tăng trong khi vốn điều lệ giữ nguyên. Lý do này dù nhìn dưới góc độ nào cũng thiếu tính thuyết phục.

Trong tất cả các văn bản pháp lý về cổ phần hóa từ trước đến nay không hề có quy định nào về phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông mà bỏ qua cổ đông nhà nước. Nếu phương án phát hành thêm của Vietcombank được chấp thuận, cũng đồng nghĩa với việc phải sửa luật và các nghị định.

Thứ nhất, hệ số an toàn vốn 8,9% vẫn còn cao hơn mức quy định. Thứ hai, tổng tài sản của Vietcombank quí 1-2009 đang tăng chậm lại, chỉ tăng 1%. Mặt khác, Vietcombank cho biết vốn điều lệ hiện hành mới bằng 81% vốn điều lệ dự kiến theo phương án cổ phần hóa (15.000 tỉ đồng), vì thế cần phải tăng thêm.

Trên thực tế, trong phương án cổ phần hóa Vietcombank, vốn được nhiều bộ, ngành đóng góp ý kiến và cân lên đặt xuống, không hề có việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khi mà cổ phần hóa chưa kết thúc. Đặc biệt trong tất cả các văn bản pháp lý về cổ phần hóa từ trước đến nay không hề có quy định nào về phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông mà bỏ qua cổ đông nhà nước.

Nếu phương án phát hành thêm của Vietcombank được chấp thuận, cũng đồng nghĩa với việc phải sửa luật và các nghị định. Điều này có thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay phải xin ý kiến Quốc hội?

Hơn nữa, nếu Vietcombank được phát hành thêm cổ phiếu theo cách đề nghị, thì những doanh nghiệp khác cũng có thể đi theo “lối” của Vietcombank. Giá IPO cổ phiếu Bảo Việt, Sabeco cũng đang cao hơn nhiều giá giao dịch trên thị trường OTC. Với Bảo Việt là 20.000-22.000 đồng/cổ phiếu so với giá IPO 73.900 đồng/cổ phiếu. Với Sabeco là 30.000 đồng so với giá IPO 70.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu ưu đãi mà người lao động ở Bảo Việt, Sabeco được mua cũng đang cao hơn giá OTC và cổ phiếu ưu đãi của những doanh nghiệp này cũng đang trong tình trạng “ngược đãi”.

Vì sao Vietcombank được phát hành thêm mà họ thì không? Và còn hàng ngàn công ty cổ phần khác, vào những năm trước, đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông với giá cao hơn giá giao dịch bây giờ. Họ có thể áp dụng cách thức của Vietcombank không?  

Nhà nước mua lại một phần cổ phần của người lao động?

Việc phát hành cổ phiếu IPO doanh nghiệp nhà nước với giá cao những năm trước đây và sự sụt giảm giá của những cổ phiếu đó dưới tác động của khủng hoảng kinh tế hiện nay, phải được đánh giá, giải quyết bằng những biện pháp thích hợp, công bằng và đảm bảo rằng luật pháp được thực thi đúng. Người lao động cũng là nhà đầu tư, và do đó cũng phải “lời ăn lỗ chịu”, tự chịu trách nhiệm về hành vi đầu tư mua cổ phiếu của mình. Người lao động có thể từ chối mua cổ phần khi doanh nghiệp cổ phần hóa, họ không bị bắt buộc phải mua. Họ là những người đóng góp nhiều nhất cho doanh nghiệp, nên họ được mua ưu đãi, bằng 60% giá IPO. Việc giảm giá 40% đó đã nói lên vai trò quan trọng của người lao động.

Bây giờ, khi mà giá cổ phiếu giảm quá nhiều, thấp hơn cả mức ưu đãi, thì liệu Nhà nước có thể làm gì để đảm bảo người lao động không bị thiệt thòi? Ở đây, vấn đề liên quan đến pháp luật, đến các quy định cổ phần hóa và việc cần thiết phải hoàn thiện nó. Trước đây, người lao động được mua cổ phiếu bằng mệnh giá và chuyện cổ phiếu ưu đãi thành “ngược đãi” đã không xảy ra. Sau đó luật pháp đã được chỉnh sửa để giá cổ phiếu mà người lao động được mua không cách quá xa giá IPO. Sự chỉnh sửa đó lúc bấy giờ được cho là phù hợp với thực tế cuộc sống, nhưng đằng sau nó là tâm lý e ngại thất thoát tài sản nhà nước, kể cả một phần tài sản được dành bán cho người lao động, những người góp công sức để tài sản nhà nước sinh sôi!

Nhà đầu tư, công luận có quyền đặt câu hỏi về việc sử dụng thặng dư từ các đợt IPO trong đó có IPO Vietcombank. Có ý kiến cho rằng Nhà nước có thể dùng một phần thặng dư đó lo cho quyền lợi của người lao động. Liệu Nhà nước có thể dùng thặng dư mua lại một tỷ lệ cổ phần đã bán cho người lao động bằng giá ưu đãi? (Người lao động Vietcombank đã mua cổ phiếu ngân hàng với giá 64.543 đồng/cổ phiếu).

Như vậy Nhà nước sẽ nâng tỷ lệ sở hữu trong Vietcombank mà không làm ảnh hưởng đến vốn điều lệ của ngân hàng. Nhà nước sẽ không nắm giữ số cổ phần mua lại ấy mãi mãi, mà sẽ phát hành trở lại ra công chúng (có thể qua sàn niêm yết nếu khi đó Vietcombank đã lên sàn) một khi thị trường chứng khoán phục hồi. Vietcombank là ngân hàng “ăn nên làm ra” (quí 1-2009 Vietcombank lãi trước thuế 1.300 tỉ đồng, cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam), giá cổ phiếu trong tương lai sẽ tăng, nên Nhà nước sẽ không bị thiệt thòi.

Làm được như thế, sẽ không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà Nhà nước còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với tiến trình cổ phần hóa. Và chính hành động đó của Nhà nước sẽ thúc đẩy cổ phần hóa tiếp tục một cách nhanh, mạnh, hiệu quả hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới