Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VietGap: Hướng đi đúng cho trái cây Tiền Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VietGap: Hướng đi đúng cho trái cây Tiền Giang

Ngọc Hùng

Anh Nguyễn Hữu Nhơn đang bao trái cho vườn xoài của mình. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Anh Nguyễn Hữu Nhơn, ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết sau khi tham gia lớp học ứng dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap cho xoài thì doanh thu của 60 gốc xoài cát của nhà anh tăng lên đáng kể vì giảm được chi phí đầu vào rất nhiều. Trước đây, thay vì 6 lần xịt (phun) thuốc xoài mới cho trái, nay chỉ cần 4 lần xịt thuốc là đã cho trái, số lượng trái đậu nhiều và trọng lượng lại lớn hơn.

Tiến tới 100% VietGap cho trái cây

Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho biết khó khăn ban đầu để người nông dân thực hiện theo VietGap hay GlobalGap là phải ghi nhật ký đồng ruộng, trong khi từ lâu nay bà con vẫn làm theo cách truyền thống, trồng trái cây và chờ ngày thu hoạch chứ không chú ý đến việc ghi chép. “Tuy nhiên, khi thực hiện VietGap, người nông dân được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình này. Chính những thành công của những “hộ nông dân cấp tiến” là cách thuyết phục tốt nhất đối với bà con nông dân”, ông Hóa cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, trong số 8 loại trái cây đặc sản của tỉnh hiện chỉ có khóm (thơm) Tân Lập được cấp VietGap, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được chứng nhận GlobalGap. Tuy nhiên, để khẳng định vị thế của một trung tâm trái cây chất lượng tốt, tỉnh sẽ tiến đến xây dựng 100% VietGap cho các loại trái cây.

Thuyết phục từ hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cho biết ban đầu để vận động bà con tham gia GlobalGap hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí, một số người còn nghi ngờ về khả năng thành công của mô hình này nên chỉ thực hiện được 7.000 héc ta trên tổng số 30.000 héc ta vú sữa. Tuy nhiên, sau gần 2 năm áp dụng, những lợi ích mà GlobalGap đưa đến cho bà con là rất lớn, vì vậy, trong đợt cấp giấy chứng nhận GlobalGap lần 2 (ngày 28-2) đã có 55,3 héc ta được chứng nhận.

“Việc diện tích vú sữa tăng nhanh sau 2 năm tham gia GlobalGap chứng tỏ người dân tin tưởng vào những lợi ích mà GlobalGap mang lại cho họ. Đơn giản vì giá bán vú sữa cao hơn giá thị trường 20-30% nên nhiều nông dân muốn tham gia”, ông Ngàn cho biết. Cũng theo ông Ngàn, với diện tích 55,3 héc ta vú sữa đạt tiêu chuẩn GlobalGap nói trên, hợp tác xã của ông sẽ thu hoạch khoảng 500 tấn vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Võ Ngọc Diệp (Sáu Diệp), xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, cho biết lúc đầu ông cũng “dị ứng” với VietGap vì phải thực hiện những yêu cầu không liên quan gì đến cây thanh long, nhưng sau khi được tập huấn ông đã làm theo và thấy có hiệu quả.

So với trước đây, mỗi gốc thanh long chỉ có khoảng 20 quả, mỗi quả nặng 500-600g nhưng khi áp dụng kỹ thuật của VietGap thì năng suất và trọng lượng quả tăng lên 30%, giá bán lại cao hơn, doanh thu tăng hơn 50 triệu đồng/héc ta so với trước khi áp dụng kỹ thuật mới.

Theo lời ông Huỳnh Văn Sang, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc, mặc dù xoài cát Hòa Lộc mới được cấp chứng nhận địa lý nhưng hiệu quả kinh tế mạng lại cho người trồng xoài là rất lớn. “Chính vì vậy, chúng tôi sẽ xây dựng VietGap cho xoài cát Hòa Lộc. Dự kiến đến 24-12-2010 sẽ có 20,5 héc ta được cấp VietGap”, ông Sang cho biết.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch xã Lương Hòa Lạc, cho biết mặc dù bà con nông dân mới bước đầu ghi nhật ký đồng ruộng, chỉ áp dụng một phần của những kỹ thuật của VietGap nhưng năng suất đã tăng lên đáng kể. Trong thời gian tới, việc tiến tới xây dựng VietGap cho thanh long Chợ Gạo là điều cần thiết, qua đó từng bước khẳng định thương hiệu và chất lượng trái cây Tiền Giang.

“Hiện giá xoài cát Hòa Lộc bán trên thị trường với giá 25.000 đồng/kg nhưng được chăm sóc theo kỹ thuật VietGao lại bán với giá 32.000 đồng/kg”, ông Hùng cho biết. Còn ông Sang thì cho rằng: ”Xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng thơm ngon từ năm 1946, cuối năm nay có thêm VietGap càng khẳng định được vị thế của loại trái cây này. Đến năm 2015 sẽ có 54 héc ta tại ấp Hòa sẽ được chứng nhận VietGap cung cấp cho thị trường 1.000-1.200 tấn xoài/năm”.

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quyết Thắng, tâm sự con đường để khóm Tân Lập đạt tiêu chuẩn VietGap rất gian nan vì đa phần người dân ở đây (xã Tân Lập, Tân Phước) đều là nông dân nghèo, không có đất sản xuất từ phương xa đến lập nghiệp trên mảnh đất phèn không thể trồng được gì ngoài tkhóm, lại thiếu vốn, không được tiếp cận thông tin thị trường và kiến thức khoa học kỹ thuật nên để vận động bà con áp dụng VietGap chỉ có cách làm mẫu, cho tham gia các mô hình trình diễn. Sau khi chứng kiến những điều “mắt thấy tai nghe” thì mới mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây khóm.

“Hiện nay, có 30 héc ta/12.000 héc ta đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Tôi tin rằng, với năng suất, giá bán của 30 héc ta này sẽ là minh chứng tốt nhất để những nông dân khác làm theo. Hiệu quả kinh tế cao sẽ là động lực giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất theo cảm tính và lạc hậu trước đây”, ông Thành khẳng định.

Củng cố thương hiệu

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn trái miền Nam, khi thu nhập từ những mô hình áp dụng những tiêu chí kỹ thuật VietGap cho trái cây, (hay GlobalGap) cao hơn so với cách chăm sóc truyền thống thì nhiều người dân sẽ tình nguyện tham gia. Nhờ đó, số lượng nông dân muốn tham gia VietGap sẽ tăng lên nhanh, đặc biết là những hộ nông dân sản xuất nhỏ và như vậy sẽ giúp cải thiện cuộc sống của họ rất nhiều.

Ông Hóa cho rằng, trái cây Tiền Giang chỉ có thể chinh phục được người tiêu dùng khó tính thì ngoài việc thơm ngon thì phải biết xây dựng thương hiệu mạnh, uy tín về chất lượng dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap và GlobalGap để được trong nước và thế giới công nhận thì mới có thể bán được giá cao, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới