Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VietGAP thủy sản sắp được công nhận rộng rãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VietGAP thủy sản sắp được công nhận rộng rãi

Hữu Trãi

VietGAP thủy sản sắp được công nhận rộng rãi
Quang cảnh hội thảo về VietGAP thủy sản chiều 17-11-2015 tại Cần Thơ – Ảnh: Hữu Trãi

(TBKTSG Online) – Cuối năm nay, tiêu chuẩn VietGAP trong ngành thủy sản sẽ tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu (gọi tắt là GSSI), một mốc quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam được quốc tế công nhận, theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Phát biểu tại hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản” tổ chức tại Cần Thơ chiều nay 17-11, ông Nguyễn Huy Điền cho biết Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu sớm thực hiện công tác hài hòa, công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa VietGAP với các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP và tham gia chương trình GSSI.

Việc làm này nhằm giảm thiểu chi phí chứng nhận cho cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, việc đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau cũng khẳng định vai trò, vị thế của VietGAP về sản xuất thực hành nuôi trồng thủy sản tốt của Việt Nam.

“Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. FAO đã hợp đồng với GSSI xây dựng các cơ chế, quy chế và các công cụ so sánh giữa các tiêu chuẩn với nhau. Nếu không có gì thay đổi, vào cuối năm nay, FAO sẽ đưa ra công cụ hoàn chỉnh. Công cụ này sẽ là cơ sở thuận lợi cho việc so sánh giữa các tiêu chí, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với nhau,” ông Điền nói.

Theo ông Điền, để đồng bộ tiêu chuẩn VietGAP với nhiều bộ tiểu chuẩn quốc tế và tham gia GSSI, Tổng cục Thủy sản đã ký biên bản ghi nhớ với tất cả các tổ chức này để lập bản đồ so sánh đối chiếu, đánh giá và công nhận hài hòa lẫn nhau.

Riêng với lĩnh vực cá tra, theo ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra, do chưa hài hòa tiêu chuẩn quốc tế nên cá tra Việt Nam đang chịu sự ràng buộc của chín bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế do các tổ chức phi chính phủ đặt ra mặc dù đều theo tiêu chuẩn của FAO về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe động vật và an sinh xã hội.

“Do vậy người nuôi cá tra gặp khó khăn trong việc định hướng áp dụng tiêu chuẩn nào có hiệu quả. Mặc khác, việc thực hiện cùng lúc các tiêu chuẩn sẽ gây tốn kém nhiều cho người nuôi,” ông Dũng nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2013 đến cuối tháng 10-2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 686 hecta. Trong đó nhiều nhất là 42 cơ sở nuôi cá tra, diện tích 361 hecta, 23 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng (233 hecta), còn lại là các cơ sở nuôi  tôm sú, cá rô phi, tôm càng xanh…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới