Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Airlines dự kiến cơ cấu tài sản, thoái vốn công ty thành viên để thoát lỗ

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hãng hàng không quốc gia giải trình sẽ cơ cấu các tài sản, thoái vốn công ty thành viên, cải thiện hoạt động kinh doanh để có thể thoát lỗ trong năm 2022. Doanh nghiệp cũng đưa ra ba giải pháp nhằm thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu trong thời gian qua.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có văn bản giải trình về nguyên nhân, biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu của doanh nghiệp này bị đưa vào diện kiểm soát.

Vietnam Airlines tiếp tục bán tài sản để thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Ảnh minh họa: DNCC

Mã cổ phiếu HVN của hãng bay này vẫn đang trong diện kiểm soát vì Vietnam Airlines liên tục lỗ trong thời gian qua. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, năm 2021 và quí 1-2022 ghi lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm 2.160 tỉ đồng tại thời điểm ngày 31-3.

“Tình trạng xảy ra ở trên do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng đối với hoạt động của tổng công ty. Việc lợi nhuận sau thuế bị âm trong giai đoạn 2020 đến quý I/2022 cũng đã được giải trình cụ thể tại báo cáo biến động lợi nhuận sau thuế định kỳ”, báo cáo của Vietnam Airlines nêu.

Trước thực trạng đó, Vietnam Airlines cho biết đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp tại đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng không giai đoạn 2021-2025.

Đối với năm 2022, các giải pháp sẽ hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2022.

Tiếp đó, giai đoạn 2023-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.

Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia nhấn mạnh, doanh nghiệp đã hoàn thành đề án cơ cấu nói trên và đang gửi báo cáo lấy ý kiến cổ đông nhà nước, các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo đại hội đồng cổ đông thông qua. Đề án bao gồm 3 giải pháp.

Thứ nhất, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Thứ hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền trong giai đoạn 2022-2024. Tổng công ty sẽ triển khai bán/bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này sẽ thực hiện trong năm 2022-2024.

Thứ ba là phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến thực hiện năm 2023-2024. Tháng 9-2021, doanh nghiệp này cũng đã phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm gần 8.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng lưu ý rằng các giải pháp trên chỉ được triển khai sau khi đề án cơ cấu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cổ đông nhà nước và đại hội đồng cổ đông cùng thông qua.

Trước đó hãng hàng không quốc gia cũng từng được “giải cứu” khi Quốc hội thông qua kế hoạch tăng vốn. Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện đợt tăng vốn thêm 7.961 tỉ đồng trong tháng 9-2021 (trong đó SCIC rót 6.880 tỉ đồng để mua cổ phần).

Sau phương án trên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.

Cuối năm ngoái, Vietnam Airlines cho biết đã chuyển nhượng 35% vốn góp tại Cambodia Angkor Air và thu về 35 triệu đô la. Phần vốn góp còn lại của khoản đầu tư này (14%) sẽ được thanh lý trong năm nay. Đây chính là thương vụ xuất ngoại cho Vietnam Airlines thu về 775 tỉ đồng, giúp lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, thoát án hủy niêm yết bắt buộc.

Sang quí đầu năm 2022, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng. Hãng này đạt tổng doanh thu 11.683 tỉ đồng, tăng khoảng 55%, tương ứng 4.100 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng song giá vốn bán hàng của hãng hàng không này cũng tăng theo, từ mức 10.400 tỉ đồng lên 13.200 tỉ đồng trong quí đầu năm. Khấu trừ thêm các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 2.621 tỉ đồng, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp này lỗ gần 30 tỉ đồng.

Khoản lỗ quí đầu năm nâng tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24.574 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160,8 tỉ đồng tại ngày kết thúc quí 1. Thực trạng đó khiến Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HOSE theo quy định.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14-6, HVN có giá 17.100 đồng/cổ phiếu. Mức giá cao nhất mà HVN đạt được là hơn 47.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2018 và thấp nhất 13.800 đồng/cổ phiếu khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3-2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới