Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vietnam Airlines thay tướng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vietnam Airlines thay tướng

V.Dũng

(TBKTSG Online) – HĐQT Vietnam Airlines vừa ra Nghị quyết bổ nhiệm ông Lê Hồng Hà làm Tổng giám đốc doanh nghiệp thay cho ông Dương Trí Thành đã đến tuổi về hưu.

Vietnam Airlines thay tướng
Vietnam Airlines có Tổng giám đốc mới. Ảnh: DNCC

Trước đó Đại hội cổ đông bất thường được tổ chức ngày 29-12 cũng đã miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Dương Trí Thành, đồng thời bầu ông Lê Trường Giang, Chánh Văn phòng Vietnam Airlines vào Hội đồng quản trị để thay thế. Như vậy hiện nay, ông Thành không còn ở trong Ban lãnh đạo Vietnam Airlines và năm 2021 sẽ đến tuổi về hưu.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Hà sinh năm 1972, trình độ thạc sỹ quản trị kinh doanh. Ông Hà bắt đầu làm việc tại hãng bay quốc gia kể từ năm 1994. Ngoài các chức vụ tại Vietnam Airlines, ông Hà hiện còn đương nhiệm vị trí chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTC Nhiên liệu Hàng không (SKYPEC), công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Được biết, ông Lê Hồng Hà hiện sở hữu 8.319 cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và đại diện sở hữu cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hơn 222 triệu cổ phiếu HVN.

Liên quan đến tình hình hiện tại của Vietnam Airlines, ĐHCĐ bất thường mới đây đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho hãng bay này. Đồng thời lãnh đạo Vietnam Airlines kêu gọi các cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.

Tân Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà hiện sở hữu 8.319 cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và đại diện sở hữu cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hơn 222 triệu cổ phiếu HVN. Ảnh: Vnexpress.net

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng và Tổng công ty đầu tư – kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ sẽ đầu tư mua cổ phiếu. Dự kiến, sau khi phát hành phần vốn tăng thêm, SCIC sẽ nắm giữ 25,39% tổng số cổ phần tại Vietnam Airlines và có đại diện trong Hội đồng quản trị của hãng. Tổng số tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước có tại hãng vẫn là 86,1%, ANA Holdings 8,77%; 5,04% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8.278 tỉ đồng (đến hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm nay dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối năm 2021).

Vietnam Airlines cho biết sẽ sử dụng 8.000 tỉ đồng từ việc phát hành cổ phiếu để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trả các khoản nợ vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng sẽ tuyệt đối không dùng nguồn này cho các hoạt động đầu tư mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dự kiến nhanh nhất đến qúi 2-2021, nguồn vốn bổ sung này mới về đến Vietnam Airlines vì phải trải qua các thủ tục phát hành nhanh nhất là 150 ngày (kể từ ngày chính thức chào bán).

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn được vay 4.000 tỉ đồng vốn ưu đãi với lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp nhất do Ngân hàng Nhà nước thực hiện qua các ngân hàng thương mại và nhanh nhất là đến hết quý 1- 2021, dòng tiền vay tái cấp vốn mới về đến doanh nghiệp. Do đó, hãng kêu gọi các cổ đông khác ngoài cổ đông Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng với các cổ đông.

“Các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường với mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn đúng với phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông nhà nước”, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính – kế toán của Vietnam Airlines, cho biết.

Cập nhật đến cuối tháng 12-2020, doanh thu hợp nhất năm nay của hãng ước đạt 42.523 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 32.983 tỉ đồng, đều vượt so với kế hoạch lần lượt là 1.937 tỉ đồng (4,8%) và 448 tỉ đồng (1,4%). Song số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỉ đồng. Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỉ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.

Dự báo sau Covid 19, tổng thị trường hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%/năm (2023-2025) và 4% (2026-2035). Vietnam Airlines vẫn dự báo sẽ lỗ trong 1-2 năm tới và cần thực hiện tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư để cải thiện dòng tiền, gia tăng thu nhập, xóa lỗ lũy kế để từng bước phục hồi. “Dự kiến chúng tôi sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025”, một lãnh đạo Vietnam Airlines chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới