Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Viettel bắt đầu kinh doanh mạng di động tại Tanzania

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Viettel bắt đầu kinh doanh mạng di động tại Tanzania

Vân Ly

Viettel bắt đầu kinh doanh mạng di động tại Tanzania
Nhân viên mạng di động Halotel do Viettel đầu tư tại Tanzania đang giới thiệu dịch vụ đến người dân nơi đây – Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Ngày 15-10, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã khai trương mạng di động với thương hiệu Halotel tại thị trường Tanzania, một quốc gia nằm ở phía đông của Châu Phi, sau khi cam kết đầu tư với số vốn một tỉ đô la Mỹ vào thị trường này.

Như vậy, Tanzania là thị trường thứ 10 mà Viettel có đầu tư và cung cấp dịch vụ viễn thông, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Đông Timo, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti và Peru. Đồng thời, Tanzania là thị trường thứ 4 ở khu vực châu Phi mà Viettel có tham gia đầu tư và kinh doanh.

Với hơn 50 triệu dân, Tanzania là quốc gia đông dân nhất trong các thị trường nước ngoài mà Viettel đang cung cấp dịch vụ.

Trước khi Viettel khai trương mạng Halotel tại Tanzania, quốc gia này đã có 33 triệu thuê bao di động được cung ứng bởi Vodacom (Nam Phi), Airtel (Ấn Độ), Millicom (Luxembourg)…

Mặc dù vào thị trường Tanzania sau các nhà mạng khác, Halotel là mạng viễn thông duy nhất phủ sóng di động, đặc biệt là sóng 3G, trên toàn quốc Tanzania. Halotel của Viettel còn cam kết phủ sóng di động đến 4.000 ngôi làng chưa có sóng di động tại quốc gia này trong vòng ba năm, và cung cấp internet miễn phí đến 450 trường học công lập trên cả nước…

Sẽ tăng cường mở rộng đầu tư ra nước ngoài

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, hiện tập đoàn đã chính thức kinh doanh tại 10 nước ở khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Phi với tổng dân số hơn 260 triệu người, 75 triệu khách hàng. Tổng doanh thu của Tập đoàn Viettel năm 2014 đạt gần 10 tỉ đô la Mỹ, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh viễn thông tại nước ngoài đạt hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng 23% so với năm 2013, lợi nhuận đạt hơn 140 triệu đô la Mỹ, tăng 41% so với năm 2013.

“Viễn thông nước ngoài là một trong những chiến lược ưu tiên phát triển của Tập đoàn Viettel để duy trì sự tăng trưởng và phát triển bền vững,” ông Thắng nói.

Năm 2006, Viettel quyết định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng. Sau chín năm phát triển, Viettel là một trong những nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Từ sau khi đặt chân đến thị trường đầu tiên là Campuchia năm 2006, Viettel đã đưa vào kinh doanh 9 công ty viễn thông tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mĩ.

Theo ông Thắng, tại những nước đã đi vào kinh doanh ổn định như Campuchia, Lào, Mozambique… Viettel đều giữ vị trí dẫn đầu và chiếm lĩnh thị trường. Một số thị trường Viettel mới tham gia kinh doanh năm 2014 cũng đang có những bước khởi đầu khá tốt. Như tại Đông Timor, Viettel kinh doanh mới được một năm nhưng đã phủ sóng đến 96% dân số, phát triển thuê bao ngang bằng số lượng mà đối thủ độc quyền có được trong hơn 10 năm (gần 500.000 thuê bao).

Ngày 12-9-2014, Viettel Cameroon chính thức cung cấp dịch vụ và đã trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai công nghệ 3G tại đất nước này. Còn Viettel Burundi đã cung cấp dịch vụ cho hơn một triệu khách hàng chỉ sau bốn tháng kinh doanh.

Trả lời câu hỏi khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, đâu là những khó khăn, thách thức và Viettel đã khắc phục những khó khăn đó như thế nào, ông Thắng cho biết, khó khăn đầu tiên mà bất cứ nhà đầu tư nào gặp phải khi đi ra nước ngoài chính là sự khác biệt về pháp luật, văn hóa và chế độ chính trị. Gần như đối với mỗi một thị trường mới, Viettel lại phải nghiên cứu tìm hiểu và có bước đi phù hợp; có những kinh nghiệm có thể giúp thành công ở thị trường này nhưng có thể là thất bại ở thị trường khác, ông Thắng nói.

Ở những nước này, việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới cũng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa lý cách trở dẫn đến việc vận chuyển thiết bị mất nhiều thời gian và công sức.

“Tuy nhiên, Viettel nhìn thấy thuận lợi từ khó khăn. Ở những thị trường mà ai cũng ngại khó và ngại xa thì đấy chính là đại dương xanh vì ít người quan tâm. Trong tổng số khoảng 30 nhà đầu tư viễn thông quốc tế, Viettel là doanh nghiệp non trẻ nhất. Tuy nhiên, do trưởng thành ở một thị trường đang phát triển và cạnh tranh như tại Việt Nam nên Viettel có nhiều kinh nghiệm để kinh doanh ở những thị trường khó khăn, hiểu và chia sẻ những điều mà các quốc gia đang phát triển trăn trở,” ông Thắng nói.

Bên cạnh đó Viettel còn thiết kế những gói sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng ở các nước để ai cũng có thể được tiếp cận dịch vụ viễn thông. Những điều ấy đã tạo ra niềm tin. Ông Thắng cho biết, trong ngành viễn thông, muốn cạnh tranh được thì phải có hạ tầng tốt, băng thông rộng hơn đối thủ và Viettel đã làm được điều đó.

Trong thời gian tới, mục tiêu chính của Viettel là đẩy mạnh chiến lược đầu tư mở rộng thị trường cả về chiều sâu và rộng, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường thông qua các hình thức mới như mua bán và sáp nhập các công ty viễn thông đang vận hành, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới tại các nước đang đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới