Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vinashin và những câu hỏi đặt ra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vinashin và những câu hỏi đặt ra

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

(TBKTSG) – Sự đổ vỡ của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã được chính thức xác nhận. Đó là bài học xương máu cho công tác quản lý nền kinh tế quốc dân và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Những sai phạm trong đầu tư, kinh doanh, tổ chức bộ máy của Vinashin đã được chỉ rõ và Bộ Chính trị đã có quyết định chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng DNNN chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, làm cho nguồn lực bị phân tán, rủi ro trong kinh doanh. Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN phải trên cơ sở cơ chế thị trường…”. Đó là một kết luận hoàn toàn đúng.

Sự sụp đổ của Vinashin hay bất kỳ một DNNN nào gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, suy cho cùng, cũng là gây thiệt hại cho nhân dân – những người đang ngày đêm lao động để đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là hô hào mà cần có những biện pháp kiên quyết để khắc phục ngay từ gốc. Nghĩa là phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: Làm thế nào để không “tái diễn những bài học đau xót” như Vinashin?

Trước hết, cần làm rõ những kẽ hở trong quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Tập đoàn kinh tế nhà nước được “thành lập” và hoạt động mà không có một khung pháp lý nào điều chỉnh. Do đó, nó đã và đang là một “tổ chức kinh tế siêu quyền lực”, chủ tịch tập đoàn có quá nhiều quyền. Đây là nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của Vinashin và có thể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước khác với những mức độ khác nhau. Vì vậy, cần cấp thiết xem xét lại một cách toàn diện về việc thành lập và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thứ hai, vì sao vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước đối với Vinashin bị triệt tiêu? Tình trạng đầu tư dàn trải, không có hiệu quả của Vinashin đã diễn ra từ nhiều năm nay. Và, theo ông Trần Văn Truyền – Tổng Thanh tra Chính phủ – từ năm 2006 đến nay đã có tới 11 cuộc thanh tra, kiểm toán Vinashin song “việc thanh tra, kiểm tra chỉ mang tính hình thức mà không mang lại hiệu quả, không phát hiện kịp thời những sai phạm để báo cáo Chính phủ…”.

Đến đây, một câu hỏi không thể không đặt ra là: Vì sao những cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ là hình thức? Tương tự, việc Vinashin nợ lương và bảo hiểm xã hội tới 234 tỉ đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có biết không? Tại sao các cơ quan này không lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người lao động ở Vinashin trong khi một doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ nợ khoảng vài trăm triệu đồng bảo hiểm xã hội thì đã bị đưa ra tòa?

_______________________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới