Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VNG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 619 tỉ đồng năm 2021

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VNG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 619 tỉ đồng năm 2021

Vân Phong

(KTSG Online) – Việc tập trung đầu tư cho Công ty Zion – đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay – khiến Công ty cổ phần VNG tiếp tục đặt chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất sau thuế âm, dù do doanh thu liên tục tăng trưởng.

VNG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 619 tỉ đồng năm 2021
Trụ sở làm việc của VNG tại TPHCM. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Tiếp tục đầu tư cho Zalo và Zalopay

Công ty cổ phần VNG đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 với mục tiêu doanh thu cả năm ở mức 7.609 tỉ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến ở mức 4 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến âm 619 tỉ đồng.

Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận được đưa ra trong bối cảnh VNG đang lên kế hoạch tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển Payment, AI và Cloud để tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo.

Ngoài ra, các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh của VNG, gồm Zalo, Zalopay, Cloud, AI và các sản phẩm đầu tư hiện hữu cũng sẽ được doanh nghiệp chú trọng.

Trước đó, VNG từng đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 ở mức 6.714 tỉ đồng. Còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt ở mức 299 tỉ đồng và âm 246 tỉ đồng.

Lý giải điều này, ban lãnh đạo VNG cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2020 được đặt ra trong bối cảnh doanh nghiệp tiến hành đầu tư các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay.

Tuy nhiên, VNG đã kết thúc năm với doanh thu ở mức 6.024 tỉ đồng, gồm 4.773 tỉ đồng từ dịch vụ trò chơi trực tuyến, 983 tỉ đồng từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến, 268 tỉ đồng từ các mảng kinh doanh khác, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 của VNG lần lượt ở mức 457 tỉ đồng và 190,6 tỉ đồng. Còn lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát ở mức 267 tỉ đồng.

Về hoạt động của các công ty con và công ty liên kết, báo cáo thường niên năm 2020 của VNG cho thấy một số đơn vị ghi nhận mức lợi nhuận dương, gồm Công ty TNHH Phát triển phần mềm VNG lãi 166 tỉ đồng, Công ty cổ phần Công nghệ EPI lãi 111 tỉ đồng, Công ty TNHH Truyền thông Minh Phương Thịnh lãi 99 tỉ đồng.

Báo cáo thường niên năm 2020 của VNG cho biết số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ZaloPay trong năm trước tăng gấp 4 lần năm 2019. Riêng số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng tăng 10 lần trong nửa cuối năm 2020.

Ngược lại, Công ty cổ phần Zion – công ty con do VNG sở hữu gần 60% vốn và là đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay – báo lỗ hơn 666,68 tỉ đồng. Lỗ luỹ kế bị tính thuế của Zion là 1.267,71 tỉ đồng trong giai đoạn 2015 – 2020.

Khoản lỗ lũy kế của Zion chưa được VNG ghi nhận vào thuế thu nhập hoãn lại do không thể dự tính được lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.

Ngoài ra, khoản lỗ 581,3 triệu đồng tại Zion được VNG ghi nhận cho năm 2015 không được chuyển sang các năm kế tiếp để bù trừ với lợi nhuận thu được. Bên cạnh đó, hai khoản lỗ tính thuế năm 2019 và 2020 của Zion với giá trị lần lượt là 344,9 tỉ đồng và 685,9 tỉ đồng cũng chưa được cơ quan thuế quyết toán tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Tiếp tục không chia cổ tức

Hội đồng quản trị (HĐQT) VNG sẽ trình các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua phương án không chia cổ tức năm 2020 do nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.

Ngoài ra, VNG sẽ trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Theo đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành 414.772 cổ phần, gồm 88.492 cổ phần được phát hành với mức giá 20.000 đồng một cổ phần, 326.280 cổ phần được phát hành với mức giá giá 30.000 đồng một cổ phần.

Nhưng số lượng phát hành thực tế sẽ do Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp quyết định. Con số này có thể tăng hoặc giảm so với dự kiến, nhưng phải đảm bảo không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành. 

Bên cạnh đó, HĐQT VNG sẽ trình cổ đông kế hoạch bán tối đa 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước với giá chào bán do HĐQT quyết định, nhưnng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong quí 3 hoặc 4-2021.

Số tiền thu về từ đợt bán cổ phiếu quỹ sẽ được VNG dùng làm vốn lưu động để thực hiện các công việc, gồm mở rộng và phát triển thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh với công ty. Theo đó, VNG mong muốn phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí của doanh nghiệp trong ngành internet.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới