Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

VNPayTV đề nghị áp giá sàn truyền hình trả tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

VNPayTV đề nghị áp giá sàn truyền hình trả tiền

Vân Ly

VNPayTV đề nghị áp giá sàn truyền hình trả tiền
Hiệp hội Truyền hình trả tiền kiến nghị quản giá sàn dịch vụ này. Ảnh: Thanh Hải

(TBKTSG Online) – Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) vừa gửi Đề án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền lên Bộ Thông tin-Truyền thông, kiến nghị áp dụng giá sàn cước dịch vụ truyền hình trả tiền là 60.000 đồng/tháng. Trong khi đó hiện nay nhiều doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ dưới mức giá này.

Mỗi dịch vụ có mức giá sàn cụ thể

Hiện nay dịch vụ truyền hình trả tiền được cung cấp với các công nghệ khác nhau như: truyền hình cáp (analog và số), truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh và truyền hình qua mạng internet IPTV.

Theo phương án mà VNPayTV đề xuất với Bộ Thông tin-Truyền thông, phương thức tính giá sàn hàng tháng của dịch vụ truyền hình trả tiền được phân chia theo các dịch vụ truyền hình sử dụng các công nghệ khác nhau.

Truyền hình analog có hai mức giá gồm: gói kênh cơ bản ở mức 40-45 kênh với giá cước 60.000-65.000 đồng/tháng; gói kênh với 65 – 72 kênh có giá cước 90.000 đồng; truyền hình cáp HD với 110-120 kênh có giá 180 – 220.000 đồng; gói kênh truyền hình số mặt đất với 75-85 kênh được đề xuất 65.000-80.000 đồng; truyền hình số vệ tinh được  đề xuất có 3 mức giá sàn: 90.000 đồng, 180.000 đồng, và 250.000 đồng. Các gói kênh với dịch vụ truyền hình IPTV được đề nghị mức 85.000 – 90.000 đồng.

Nếu các mức giá sàn mà VNPayTV đề xuất được thông qua thì nhiều người xem dịch vụ truyền hình trả tiền trên cả nước sẽ phải trả phí xem dịch vụ truyền hình cao hơn hiện nay. Hiện không có số liệu cho thấy sẽ có bao nhiêu thuê bao truyền hình trả tiền sẽ bị ảnh hưởng nếu chính sách áp giá sàn cho dịch vụ này được thông qua. Song các chuyên gia truyền hình cho biết phần lớn người xem truyền hình trả tiền sử dụng các gói cước giá rẻ sẽ bị tác động nếu chính sách này được thông qua.

Thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp đang cung cấp dịch truyền hình trả tiền với mức cước thấp hơn giá sàn mà VNPayTV đề xuất. Như dịch vụ truyền hình vệ tinh của An Viên (AVG) đang cung cấp gói cơ bản 70 kênh với mức cước 33.000 đồng và gói A dịch vụ truyền hình số mặt đất của Truyền hình An Viên có mức cước chỉ 20.000 đồng .VTC cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất với gói dịch vụ thấp nhất là 60.000 đồng. Còn dịch vụ truyền hinh số vệ tinh của K+ được cung cấp với gói cước thấp nhất là 85.000 đồng.

Còn với dịch vụ truyền hình cáp, hiện nay cả 3 nhà cung cấp dịch vụ là VTVcab, SCTV, HCATV đều cung cấp dịch vụ có mức thấp hơn mức giá sàn mà VNPayTV đề nghị. SCTV cung cấp gói dịch vụ HD 153 kênh với mức cước 80.000 đồng, VTVcab cung cấp gói dịch vụ HD gần 200 kênh với mức cước là 160.000 đồng, HCATV cung cấp gói HD hơn 150 kênh có mức cước 150.000 đồng.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV, cho rằng việc quản lý giá sàn là điều rất cần thiết, bởi thị trường truyền hình trả tiền đang cạnh tranh rất quyết liệt, đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp hạ giá dịch vụ xuống thấp để nhằm triệt tiêu đối thủ. Thêm vào đó, trong thời gian sắp tới sẽ có thêm các tập đoàn viễn thông lớn chính thức cung cấp dịch vụ, do đó thị trường truyền hình trả tiền rất cần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Được biết, trước khi VNPayTV đề xuất cụ thể về việc quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền, Công ty VTV và VASC cũng đã đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông xem xét và ban hành quy định về mức giá tối thiểu cho dịch vụ truyền hình trả tiền nhằm tránh việc bù chéo chi phí và bán phá giá dịch vụ.

Sẽ quản lý giá sàn truyền hình trả tiền

Trước các kiến nghị này, Bộ Thông tin-Truyền thông cho rằng việc ban hành giá cước tối thiểu cho dịch vụ truyền hình trả tiền là điều cần thiết. Bộ ủng hộ đề xuất này để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Theo dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình do Bộ Thông tin-Truyền thông đang xây dựng, nhà nước sẽ ban hành giá cước, khung giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền đối với gói dịch vụ cơ bản. Đồng thời, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thống lĩnh thị trường (thị phần lớn hơn 30% tổng thị trường) sẽ phải thực hiện đăng ký giá cước với cơ quan nhà nước trước khi ban hành và áp dụng giá cước mới – như với dịch vụ viễn thông.

Cũng theo dự thảo này, Bộ sẽ thực hiện một số biện pháp để quản lý và bình ổn giá cước dịch vụ. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ quy định giá cước tối đa, cước tối thiểu, khung giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ kiểm soát các yếu tố cấu thành giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền, công khai thông tin về giá cước, quy định quản lý giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền ở từng thời kỳ. Dự thảo này cũng quy định các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ truyền hình thấp hơn giá thành.

Như vậy, về tinh thần, Bộ TT&TT đồng tình với quan điểm cho rằng cần phải quản lý giá của dịch vụ truyền hình trả tiền. Nhưng hiện Bộ này chưa cho biết liệu mức giá sàn của các dịch vụ truyền hình trả tiền mà VNPayTV đề xuất có được thông qua không.

Giá truyền hình trả tiền đang thấp nhất khu vực ASEAN

Theo ông Jacques –Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng giám đốc K+, hiện nay doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam trong một tháng (ARPU) thấp nhất trong khu vực ASEAN. ARPU ở Việt Nam vào khoảng 4-5 đô la Mỹ, trong khi đó Singapore là 32 đô la Mỹ, Malaysia là 30 đô la Mỹ, Indonesia 11 đô la Mỹ, Thái Lan là 11 đô la Mỹ, Campuchia là 10 đô la Mỹ, Myanmar 10 đô la Mỹ, Philippines cũng ở mức 9 đô la Mỹ.

Theo phân tích của các chuyên gia, lý do giá thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam thấp là do thị trường có cạnh tranh dữ dội giữa các nhà cung cấp truyền hình với nhau. Trong ngắn hạn ARPU thấp sẽ giúp thị trường phát triển nhanh, nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ. Việc chi phí bản quyền truyền hình và các chi phí khác đều tăng, trong khi giá thuê bao ngày càng giảm khiến các nhà khai thác truyền hình sẽ không muốn đầu tư nhiều cho nội dung để cung cấp dịch vụ tốt, nên thị trường sẽ có ít các nội dung hấp dẫn.

Xem thêm:

>>> Cạnh tranh truyền hình trả tiền sẽ tăng mạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới